Thế giới trong tuần

1. Thông tin nổi bất trong tuần, đó là Mỹ quyết tâm thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bỏ phiếu về trừng phạt Triều Tiên.  Các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết Mỹ quyết tâm thúc đẩy để Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 11-9 tới về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Nga. 

Washington đã trình một dự thảo nghị quyết kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên, đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Kim Châng Un), một lệnh cấm đối với sản phẩm may mặc và ngừng trả lương cho các công nhân Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài. Các nhà ngoại giao tại LHQ không loại trừ khả năng Trung Quốc và Nga có thể phủ quyết dự thảo trên, song nhấn mạnh chính quyền Mỹ đang vận động rất mạnh để văn bản được thông qua. Một nhà ngoại giao tại HĐBA cho rằng các cuộc thương lượng có thể dẫn tới thay đổi một số nội dung dự thảo nghị quyết này đáp ứng các quan điểm của Nga và Trung Quốc. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-9 cho biết ông mong muốn không phải sử dụng hành động quân sự đối với Triều Tiên liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, song nhấn mạnh nếu Washington lựa chọn phương án trên thì đó sẽ là “một ngày rất xấu” đối với Bình Nhưỡng. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng với Quốc vương Kuwait Sabah Al Ahmad Al Sabah (Xa-ba An A-mát An Xa-ba), Tổng thống Trump nêu rõ “Hành động quân sự chắc chắn là một lựa chọn, song không phải là không thể tránh được”.

Liên quan vấn đề trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (Gim Mát-tít) ngày 7-9 đã đảm bảo với Hàn Quốc rằng nước này sẽ không phải một mình đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. 

Ông Mattis đưa ra phát biểu trên khi trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Yonhap về thông tin Triều Tiên có thể sắp tiến hành một vụ thử tên lửa tầm xa nữa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định lại cam kết đã đưa ra trước đó trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo (Xâng I-âng Mô), cũng như trong cuộc điện đàm giữa tổng thống hai nước hồi đầu tuần. Tuy nhiên, ông Mattis từ chối đưa ra câu trả lời về khả năng Mỹ sử dụng hành động quân sự đối với Triều Tiên.

2. Sự kiện cũng rất đáng chú ý, đó là Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier (Mi-sen Bác-ni-ê) tuyên bố sẵn sàng đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, song vẫn bày tỏ quan ngại về những đề xuất của London, đặc biệt liên quan đến vấn đề biên giới với Ireland. 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Barnier bày tỏ quan ngại về tiến độ chậm chạp của tiến trình đàm phán Brexit khi thời gian còn lại không còn nhiều. Ông khẳng định sẵn sàng tăng tốc và đẩy nhanh tiến trình đàm phán, trong bối cảnh sự “chia tay” chính thức giữa Anh và EU đã được ấn định vào nửa đêm ngày 29-3-2019. 

Trong phát biểu của mình, Trưởng đoàn đàm phán EU đã thông báo chi tiết quan điểm của châu Âu về 5 chủ đề liên quan đến Brexit, đặc biệt là vấn đề tương lai đường biên giới giữa Cộng hòa (CH) Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh thời hậu Brexit. Ông bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Anh đối với vấn đề này khi cáo buộc London muốn EU “ngừng áp dụng các luật lệ, liên minh hải quan, thị trường chung duy nhất tại khu vực sẽ là đường biên giới mới bên ngoài của EU”. Ông nêu rõ: “Nước Anh mong muốn sử dụng vấn đề Ireland như một phép thử cho mối quan hệ tương lai về hải quan với EU. Điều này là không thể”. 

Vấn đề biên giới với CH Ireland hiện là rào cản duy nhất về mặt đất đai đối với Anh trong đàm phán Brexit. Khu vực biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland kéo dài gần 500km với  30.000 người qua lại mỗi ngày. Việc thiết lập các biện pháp hải quan tại khu vực này là một vấn đề “đau đầu” đối với các nhà đàm phán bởi đây là khu vực hết sức nhạy cảm, từng xảy ra xung đột khiến 3.600 người thiệt mạng liên quan việc sáp nhập Bắc Ireland về với Ireland hay vẫn duy trì là một phần lãnh thổ của Anh. Các cuộc xung đột chỉ chấm dứt sau khi hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình năm 1998. 

3. Iran đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế, sau khi các cường quốc phương Tây dỡ bỏ lệnh bao vây cấm vận sau thỏa thuận hạt nhân với Tehran đã đạt được vào năm 2015. 

Theo những số liệu chính thức, hơn 6 triệu lượt người đã tới thăm Iran trong năm vừa qua theo lịch Iran kết thúc vào tháng 3-2017, tăng 50% so với năm trước đó và gấp ba lần so với năm 2009. 

Số lượng khách du lịch tới Iran tăng nhanh sau khi nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với 6 cường quốc thế giới (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 dẫn tới việc nhiều biện pháp trừng phạt đối với Tehran được dỡ bỏ. 

Thị trường du lịch tại Iran đang bùng nổ, thu hút nhiều tập đoàn khách sạn hoạt động tại các quốc gia vùng Vịnh và trên thế giới đẩy mạnh đầu tư vào Iran, nhằm đón đầu cơ hội phát triển mạnh mẽ của “ngành công nghiệp không khói” tại quốc gia này. Theo Cơ quan du lịch của Iran, Tehran muốn thu hút hơn 20 triệu lượt khách từ nay đến năm 2025, nhằm tạo ra nguồn thu 30 tỷ USD mỗi năm.