Nâng cao thị hiếu thưởng thức văn học trẻ

(NTO) Những năm gần đây, nền văn học trẻ Việt Nam phát triển với nhịp độ nhanh chóng, “bùng nổ” về nội dung, phong phú về thể loại, với rất nhiều ấn phẩm có số lượng phát hành “ấn tượng” từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn bản của những tác giả trẻ. Xuất bản tác phẩm nhiều, ăn khách vào hàng số 1, quyết liệt, mạnh bạo với đề tài mới… đó là những kết quả đầy khích lệ của nhiều cây bút trẻ hiện nay.

Theo Quy định của Hội nghị những người viết văn trẻ thì với hạn tuổi 35 trở xuống, các cây viết thế hệ 8X trở đi được gọi cây viết trẻ… Thật đáng mừng nếu điểm mặt những người viết còn rất trẻ hiện tại như Trần Thu Trang, Dương Thụy, Anh Khang, Gào, Hamlet Trương… Thậm chí, thế hệ văn sĩ 9X đang chiếm số đông, đặc biệt còn xuất hiện nhiều cây viết thế hệ 10X, tuổi thiếu niên nhi đồng. Có thể nói, sức sống của văn học Việt hiện tại phần lớn là do các cây viết trẻ tạo nên. Họ có mặt ở khắp các thể loại từ thơ đến văn xuôi, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, rồi dịch thuật chuyển ngữ… và không ít cây viết tạo nên tên tuổi. Riêng văn học mạng đã như một cuộc cách mạng và thuộc về “lãnh địa” của cây viết trẻ, và từ mạng ảo đã trở thành sản phẩm thực, tạo nên dòng văn học thị trường với những tác giả có số lượng bản in tác phẩm lên đến hàng vạn cuốn.

Dù vậy, theo nhận định của giới nghiên cứu văn học, bức tranh văn học trẻ Việt Nam hiện nay dường như không chỉ màu hồng. Nhiều nhà phê bình văn học nhìn nhận những gì văn học trẻ đang thể hiện mới chỉ dừng lại ở dòng “văn học thị trường”, “văn học mạng-văn học thời trang”… Phần lớn tác phẩm là sách tạp văn, tản văn; nội dung thường là những cảm xúc, chia sẻ ngắn về tình bạn, tình yêu, quan hệ xã hội… với lối viết dễ đọc, dễ thưởng thức, phù hợp với thị hiếu của khá đông độc giả trẻ. Không thể phủ nhận sự đóng góp của những cuốn sách bán chạy trong việc làm sôi động hơn đời sống văn học, nhưng rất khó để ghi nhận giá trị chiều sâu của các tác phẩm “ăn khách” này. “Các cây bút trẻ đã có ý thức làm nghề tốt, trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện, vốn liếng, có đầu tư xa, lộ trình quy hoạch rõ ràng, họ làm giỏi hơn các lớp người viết trước. Nhưng văn học giải trí không thể đại diện cho nền văn học quốc gia được. Văn học có giá trị nghệ thuật mới đủ tư cách đại diện cho nền văn học quốc gia”-nhà phê bình Văn Giá khẳng định. Hơn hết, văn chương là hành trình dài, nhiều thách thức, chỉ có lao động nghiêm túc mới đem lại cho người viết những giá trị bền vững. “Để đi được dài, được lâu bền trên con đường văn chương đầy chông gai và thử thách, các cây bút trẻ cần chăm chút cho tài năng của mình thật nhiều”-chia sẻ của nhà thơ gạo cội Hữu Thỉnh đáng để nhiều cây bút trẻ lưu tâm.

Mỗi tác giả cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với sáng tạo nghệ thuật của mình, để mỗi tác phẩm khi đến với bạn đọc đều chuyển tải những thông điệp giáo dục, góp phần nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, nhận thức, hiểu biết xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần người đọc. Đặc biệt, những tác giả trẻ cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, rèn luyện tay bút, tay nghề, sáng tạo những tác phẩm có giá trị về nội dung, giàu tính nghệ thuật. Và trên hết, mỗi độc giả cần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong thưởng thức tác phẩm văn học trẻ, nêu cao vai trò của mình trong thưởng thức, “thẩm định” tác phẩm văn học trẻ. Chỉ khi người đọc khẳng định vai trò lựa chọn, “định hướng” lại sáng tác thì mới tạo động lực giúp những cây bút trẻ sáng tác và sáng tạo nghệ thuật. Hãy là bạn đọc “khó tính” trong tiếp nhận tác phẩm văn học trẻ!