Ninh Phước đẩy mạnh phát triển các làng nghề

(NTO) Huyện Ninh Phước hiện có 3 làng nghề: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và gốm Bàu Trúc. Với nét đặc thù riêng, hằng năm các làng nghề này thu hút khá đông du khách đến tham quan, mua sắm, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Niềm vui làng nghề

Những năm gần đây, thông qua nhiều nguồn vốn, tỉnh ta đã đầu tư trên 50 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, cổng vào làng nghề, nhà trưng bày, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước..., nhờ đó, đến nay diện mạo các làng nghề đã được đổi thay rất nhiều. Điều đáng vui hơn là mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm Bàu Trúc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của làng nghề, mà còn tạo động lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh gốm Chăm phát triển lên tầm cao mới.

Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Để thu hút du khách đến tham quan, mua sắm, địa phương chỉ đạo các làng nghề thành lập Tổ quản lý và khai thác bằng việc vận động những hộ gia đình nghệ nhân có tay nghề lâu năm cùng tham gia. Ngoài việc đảm nhận khâu chế tác gốm và dệt thổ cẩm để trưng bày, giới thiệu sản phẩm theo mô hình “khép kín”, các thành viên trong tổ còn thành lập Đội văn nghệ và Câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống biểu diễn nghệ thuật múa hát Chăm khi du khách đến tham quan có nhu cầu thưởng thức. Cách làm này đã giúp du khách khi đến tham quan các làng nghề hiểu tường tận các công đoạn dệt vải và làm gốm của người dân địa phương.

 
Du khách tham quan sản phẩm gốm Bàu Trúc tại nhà trưng bày.

Có thể nói, nhờ được đầu tư hạ tầng và hỗ trợ chính sách ưu đãi vay vốn, đến nay nhiều cơ sở, hộ gia đình đã đầu tư trang thiết bị mở rộng quy mô sản xuất nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hiện các làng nghề đã thành lập 2 hợp tác xã, 4 công ty, 6 doanh nghiệp, 12 tổ hợp tác. Ngoài ra, tại các làng nghề còn có khoảng 78 cơ sở, hộ kinh doanh vừa và nhỏ hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương, với thu nhập từ 1,2–2 triệu đồng/người/tháng. Riêng 2 làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc hiện đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể và website riêng để quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình. Nhờ đó, doanh thu của các làng nghề cũng tăng lên, bình quân đạt khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Những khó khăn cần được tháo gỡ

Trong các tour du lịch về tỉnh ta hiện nay, nhiều Trung tâm Du lịch lữ hành đã đưa làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc vào tour tham quan, xem đây là điểm du lịch tìm hiểu văn hoá khá hấp dẫn. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc phát triển sản xuất, kinh doanh của bà con hiện chưa gắn kết được với phát triển các dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra của các làng nghề mẫu mã còn quá đơn điệu, nên chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Trong khi đó, công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu, liên kết sản xuất chưa cao, nên chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của các làng nghề.

Đến thăm Nhà trưng bày gốm Chăm tại thôn Bàu Trúc vào một ngày cuối tháng 8, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm trưng bày ở đây có mẫu mã khá giống nhau, chủ yếu các loại bình phong thủy, tượng vũ nữ Apsara, tượng tháp...., còn các sản phẩm có mẫu mã mới và chất lượng cao hầu như không có. Chị Đỗ Thu Huyền, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Tôi đã nghe kể khá nhiều về nghề làm gốm của đồng bào Chăm Bàu Trúc. Nay được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm gốm của bà con, tôi nghĩ đây là nghề truyền thống cần lưu giữ, nhưng cũng xin góp ý thêm đó là ngoài những mẫu mã, kiểu hoa văn truyền thống đang sử dụng, các nghệ nhân cần phục chế và phát triển ra nhiều kiểu mẫu, hoa văn khác đẹp và bắt mắt hơn.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, ở làng gốm Bàu Trúc hiện có khoảng 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, nhưng để làm được gốm mỹ nghệ thì có chưa đến 20 hộ, còn lại chủ yếu làm gốm gia dụng bằng phương pháp thủ công và nét hoa văn cũng na ná giống nhau. Vì thế, trước sự “lấn sân ồ ạt” của các mặt hàng nhựa, sứ, bếp điện, bếp ga... như hiện nay thì các sản phẩm gốm truyền thống như lu, chậu, lò than... bằng đất của làng nghề này đang ngày càng bị mai một, chỉ có số ít sản phẩm chưa có hàng thay thế như lò bánh căn, bánh xèo thì còn khả năng “thoi thóp”. Còn ở làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, địa phương có hơn 90% gia đình tham gia nghề dệt, khoảng15 hộ xây dựng các cơ sở sản xuất dệt quy mô và có gần 500 lao động tham gia, nhưng sản phẩm làm ra cũng chỉ là các loại túi xách, ví, cà-vạt, khăn choàng... Do đó, hàng sản xuất ra nhiều, nhưng thị trường đầu ra của sản phẩm còn hạn chế.

Để tháo gỡ khó khăn đưa các làng nghề phát triển, trong thời gian tới, huyện Ninh Phước chỉ đạo thị trấn Phước Dân vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở nâng cao năng lực điều hành, năng động trong việc liên doanh, liên kết sản xuất và tìm kiếm đầu ra. Khuyến khích sự sáng tạo và tâm huyết của nghệ nhân có chuyên môn mỹ thuật, tay nghề cao để truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ, kết hợp với việc thiết kế, sáng tạo ra nhiều loại hoa văn, mẫu mã đẹp và bắt mắt hơn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án: Phát triển thương mại–dịch vụ gắn với làng nghề; Đề án chiến lược Marketing gốm Bàu Trúc; Đề án xây dựng Khu du lịch làng văn hóa Chăm cổ tại Mỹ Nghiệp. Cùng với đó, địa phương còn tạo điều kiện giúp các cơ sở làng nghề mạnh dạn ứng dụng khoa học-kỹ thuật và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Vận động các hộ gia đình đầu tư phát triển thêm một số loại hình dịch vụ mới như mỗi hộ xây dựng từ 1–2 phòng nghỉ theo kiến trúc Chăm để phục vụ khách theo dịch vụ Homestay và tổ chức đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp và thuyết minh viên làm việc tại các làng nghề, nhằm góp phần đưa các làng nghề phát triển bền vững. Phấn đấu mỗi năm số lượng du khách đến tham quan ở các làng nghề tăng từ 10-15%.