“Ngọn Quốc kỳ”, trường ca mang âm hưởng sử thi về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

(NTO) Ngày 2-9-1945 đánh dấu nền độc lập của nước ta bằng Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại thủ đô Hà Nội. Toàn thể dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào về sự kiện lịch sử này.

Sau ngày 2-9 thiêng liêng ấy, trong niềm vui bất tận, nhà thơ Xuân Diệu đã sáng tác trường ca “Ngọn Quốc kỳ” bày tỏ niềm hạnh phúc, vui sướng của mình vì đất nước đã độc lập, dân tộc đã tự do. Nhà thơ đã trân trọng chọn hình tượng lá cờ Tổ quốc để tương xứng với tầm sự kiện lịch sử nhằm thể hiện cảm xúc của mình. Chắc chắn rằng bất cứ ai cũng vậy, dù ở trong nước hay đang ở tận bốn phương trời, hễ thấy lá cờ của nước mình, ai ai cũng cảm xúc dạt dào, bồi hồi trào dâng…

Mở đầu trường ca, Xuân Diệu thể hiện:

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo,

Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng.

Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo,

Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo.

Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,

Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt.

Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết,

Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!

Kế tiếp những đoạn thơ sau, nhà thơ “hồi ức lịch sử” bằng ngôn ngữ thơ-trở lại thời kỳ dài đất nước chìm trong bóng đêm nô lệ, mọi tầng lớp nhân dân đều cùng chung màu u uất:

Nào những huyền u uất, tím thê lương,

Nào những tía, nào những hồng yếu đuối…

Trong mộng lớn triền miền không tiếng gọi,

Giấc mộng ao hồ, giữa xiềng lạnh đói.

Cái đêm nô lệ, trong bệnh hoang mang.

Và trường ca chuyển mạch như kịch tính chuyển thành cao trào, bỗng òa vỡ như nước lũ tràn bờ, sức mạnh của dân tộc dưới lá cờ đỏ sao vàng đứng lên khởi nghĩa đã trở thành một sức mạnh vô biên:

Cuộc Khởi nghĩa phá tan đời nô bộc

Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng…

Gió đã lên! Gió dậy khắp sơn hà!

Gió đã nổi! Gió thổi cờ vun vút,

Như tất cả ngọn sóng triều ngùn ngụt:

Khiến quốc dân đều tỉnh dậy, nhìn lên...

Điều ấn tượng ở trong trường ca này là nhà thơ thật sâu sắc khi lấy lá cờ làm hình tượng trung tâm cho cả tác phẩm và đáng trân trọng hơn là mỗi đoạn thơ trong trường ca đều luôn luôn có “gió”. Điệp từ “gió” được sử dụng nhiều lần ở trong trường ca là một nét độc đáo. Gió ở đây là gió tự nhiên, vì rằng lá cờ Tổ quốc thật sinh động, tràn trề sức sống khi có gió thổi, gió reo; đồng thời cũng là những ngọn gió mát lành của không khí sống trong độc lập, tự do: “Gió đã lên! Gió dậy khắp sơn hà!/Gió đã nổi! Gió thổi cờ vun vút”.

Kết thúc trường ca, Xuân Diệu đã biến những câu thơ thành âm hưởng sử thi, đậm nét hào sảng, hào khí của một Việt Nam thời đại mới:

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo,

Gió nước Việt biết bao là thỏa chí,

Vì đã được một lá cờ hùng vĩ,

Đẹp mà vui, giòn giã lại vinh quang,

Để sáng xuân đem đỏ lẫn cùng vàng,

Để trưa hạ gió pha thành ánh lửa,

Để thu tới dội sắc đào chan chứa,

Thổi cờ bay, thấy ấm cả lòng không…

…Hồ Chí Minh, muôn thuở Tiến quân ca.

Sáng muôn năm, nền Dân chủ Cộng hòa.

Xuân Diệu sáng tác trường ca này vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11-1945, ở tuổi 29, khi nhà thơ đang hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc.