Thế giới trong tuần

1.Thông tin nổi bật trong tuần, đó là chính phủ Mỹ sẽ cho phép công dân đến từ các quốc gia Hồi giáo trong diện bị hạn chế nhập cảnh theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump ban hành hồi đầu năm được xin cấp lại thị thực. Theo một thỏa thuận pháp lý đạt được ngày 31-8 tại một tòa án liên bang ở New York (Niu Y-oóc), chính phủ sẽ phải liên lạc với tất cả các cá nhân trong diện bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Tổng thống Trump ký ban hành hôm 27-1, thông báo cho họ về việc có thể xin cấp lại thị thực dưới sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp Mỹ trong vòng 3 tháng. Đổi lại, bên nguyên sẽ phải rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. 

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận này không đảm bảo những người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh cấm nhập cảnh có thể được nhận thị thực mới cũng như được bồi thường song nó buộc chính phủ phải hành động một cách “thiện chí” khi xử lý các hồ sơ. Hiện giới chức Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về việc này. 

Trước đó, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ cùng Trung tâm Luật nhập cư quốc gia và Dự án Hỗ trợ người tị nạn quốc tế đã đệ đơn kiện lên tòa án sau khi chính quyền của Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh cấm những người có thị thực từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ. Theo sắc lệnh, lực lượng chức năng sẽ cấm các công dân đến từ các nước này nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và những người tị nạn trong vòng 120 ngày, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay cũng như kéo theo hoạt động biểu tình phản đối tại nhiều thành phố lớn. Do vấp phải sự phản đối của nhiều bang và các tổ chức, nên sắc lệnh này đã có sự điều chỉnh vào tháng 3, giảm số nước bị cấm nhập cảnh xuống còn 6. Sau đó, ngày 30-6, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép triển khai một phần sắc lệnh, trong đó có việc đình chỉ nhập cảnh 120 ngày vào Mỹ “đối với những cá nhân nước ngoài không chứng minh được quan hệ hợp pháp với một công dân hoặc một thực thể tại Mỹ”. Ngoài ra, Tòa án Tối cao Mỹ cũng đồng thời chấp thuận lắng nghe các lập luận từ phía Washington trong nhiệm kỳ tới của tòa, theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới. 

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có chấm dứt chương trình Tạm hoãn trục xuất những trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) hay không. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin đồn về việc Tổng thống Trump có thể xóa bỏ chương trình này.

2. Vấn đề cũng rất đáng chú ý, đó là Pháp và Hà Lan hối thúc Anh đẩy nhanh tiến trình đàm phán Brexit

Ngày 31-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Em-ma-nuy-en Ma-crông) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (Mắc Rút) đã hối thúc Anh nhanh chóng đạt được “những tiến bộ” trong các cuộc đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU)  về việc Anh rời khối này, hay còn gọi là Brexit, đặc biệt trong vấn đề hóa đơn yêu cầu Anh bồi thường. 

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong tuyên bố chung sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo Pháp và Hà Lan đã nêu rõ “mối quan ngại” về tiến độ các cuộc đàm phán, trong khi sự “chia tay” chính thức giữa Anh và EU đã được ấn định vào nửa đêm ngày 29-3-2019. Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng các tiến trình tiếp theo về quan hệ giữa EU và Anh chỉ có thể bắt đầu khi Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier (Mi-sen Bác-ni-ê) tuyên bố các cuộc đàm phán về Brexit đạt được “tiến triển”.  Về phần mình, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng không thể đề cập đến tương lai của quan hệ song phương khi hai bên còn chưa đạt được những bước tiến cần thiết.  

Theo kế hoạch, tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét và đánh giá tiến trình các cuộc đàm phán về Brexit, cũng như các thỏa thuận đã đạt được.

3. Mexico (Mê-hi-cô), nhà sản xuất cà phê và cacao lớn trên thế giới. Với sản lượng 3,5 triệu bao cà phê (1 bao = 60kg) trong mùa vụ 2016-2017, Mexico đã trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ 11 trên thế giới, chiếm 1,6% tổng sản lượng toàn cầu. 

Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển Nông thôn, Nghề cá và Lương thực Mexico (Sagarpa) cho biết diện tích trồng cà phê của Mexico đạt 718.000 ha. Sản xuất và kinh doanh cà phê là một ngành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, với trên 500.000 nhà sản xuất. Mexico xuất khẩu cà phê sang 42 thị trường trên thế giới, trong đó trên 50% tổng lượng cà phê xuất khẩu là sang Mỹ. 

Nhờ thời tiết thuận lợi và kiểm soát về sâu bệnh, sản xuất cà phê của Mexico đã phục hồi sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch nấm bệnh ở cây cà phê, với sản lượng tăng trên 20% và đạt trung bình 1,4 tấn/ha. Trong khi đó, sản lượng cacao của Mexico trong niên vụ 2016-2017 đạt 28.000 tấn. Mexico hiện đứng thứ 8 thế giới về sản xuất cacao và hơn 60% cacao xuất khẩu của Mexico là sang thị trường Mỹ.