Ghi nhận từ Hội thi “Báo cáo viên pháp luật - Tuyên truyền viên pháp luật” năm 2017

(NTO) Hội thi “Báo cáo viên pháp luật-Tuyên truyền viên pháp luật” năm 2017 do Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh tổ chức đã khép lại, qua 1 ngày tranh tài sôi nổi, đầy kịch tính. Đây là lần đầu tiên đội ngũ Báo cáo viên (BCV), Tuyên truyền viên (TTV) pháp luật của 7 huyện, thành phố được hòa mình vào một “sân chơi” kiến thức, kỹ năng và giao lưu văn hóa, văn nghệ đầy bổ ích, thú vị.

Hội thi có sự góp mặt của gần 70 thí sinh thuộc 7 đội: Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam và Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, đại diện cho hơn 1.000 BCV, TTV pháp luật trong toàn tỉnh tham gia. Các đội lần lượt tranh tài ở 4 phần thi: Tự giới thiệu; lý thuyết tìm hiểu các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành; thuyết trình các vấn đề quan tâm; tiểu phẩm khắc họa đời sống pháp luật ở cơ sở và công tác tuyên truyền, PBGDPL của đội ngũ BCV, TTV pháp luật.

Mở màn cho cho hội thi là phần tự giới thiệu. Đây là phần thi không nằm trong khung trao giải của Ban tổ chức nhưng là “điểm cộng” quan trọng trong kết quả chung cuộc nên được các đơn vị đầu tư, dàn dựng công phu dưới nhiều hình thức sinh động giới thiệu nét đặc trưng về văn hóa; điểm qua nét nổi bật trong công tác PBGDPL tại địa phương và giới thiệu về thành viên, đồng thời bày tỏ mục đích, tinh thần giao lưu, học hỏi khi đến với hội thi. Với màn giới thiệu ấn tượng, nội dung chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu về thời gian theo thể lệ quy định, đội thi của huyện Ninh Sơn đã giành điểm số cao nhất từ Ban giám khảo trong phần thi này và chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả.

 
Phần thi tiểu phẩm của đơn vị Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên

Phần thi lý thuyết được đánh giá là khá căng thẳng với bộ câu hỏi gồm 18 câu “hỏi xoáy” nhằm kiểm tra khả năng, sự am hiểu pháp luật của đội ngũ BCV, TTV ở cơ sở. Để vượt qua những câu hỏi này, yêu cầu các đội phải nắm vững hệ thống pháp luật hiện hành, về Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Phổ biến GDPL, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đất đai 2013, Luật Hộ tịch, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hòa giải, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, phải thật nhạy bén, vận dụng đúng vào các trường hợp, các tình huống Ban giám khảo đưa ra thử thách các đội thi. Ở phần thi này, 7/7 đội đều đạt số điểm tối đa trước sự thán phục của những người làm công tác PBGDPL và cả những cổ động viên.

Đọng lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem nhất chính là phần thi tiểu phẩm. 7 đơn vị với 7 tiểu phẩm là 7 màu sắc khác nhau, vừa đậm chất kịch, vừa làm bật lên ý nghĩa tuyên truyền pháp luật. Đáng chú ý, huyện Ninh Sơn và huyện Bác Ái cùng chung ý tưởng xây dựng tình huống kịch xoay quanh câu chuyện một gia đình có vợ và con bị bạo hành bởi người chồng say xỉn tối ngày và nhờ sự quan tâm, vận động, thuyết phục của những TTV pháp luật ở xã mà người chồng ấy “thức tỉnh” và hứa tu chí làm ăn. Trong khi huyện Ninh Phước và huyện Thuận Bắc thì “gặp nhau” ở tình huống kịch xung đột “tình làng nghĩa xóm”.

Nếu như ở 3 phần thi trên thể hiện tính “đồng đội” cao thì phần thi thuyết trình lại ghi dấu ấn cá nhân đậm nét. Với nội dung diễn thuyết về những vấn đề quan tâm ở địa phương, mỗi đơn vị chọn và cử 1 đại diện duy nhất thể hiện. Tuy là “độc diễn” nhưng hầu hết thí sinh các đội đều có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, thuyết trình tự tin, làm nổi bật vấn đề và có sử dụng máy chiếu, hình ảnh, tư liệu minh họa nhằm chuyển tải trọn vẹn những thông điệp pháp luật đến người nghe. Ban giám khảo đặc biệt ấn tượng với lối diễn đạt lưu loát, dung dị nhưng đi vào lòng người của thí sinh Nguyễn Lê Anh Thư (đội Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) khi thuyết trình về vấn đề “Làm thế nào để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống gần gũi, thiết thực hơn”. Các thí sinh khác cũng gây ấn tượng không kém khi thuyết trình về đề tài chống bạo lực gia đình (đội huyện Thuận Nam), vận động xóa bỏ tập quán nuôi heo thả rong gây ô nhiễm môi trường (đội huyện Ninh Phước); giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL (đội huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc)…

Trao đổi với chúng tôi tại lễ bế mạc hội thi, đồng chí Trương Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó trưởng Ban tổ chức hội thi, khẳng định: Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, sự tham gia đầy trách nhiệm và nhiệt tình của các địa phương, Hội thi “BCV pháp luật - TTV pháp luật” năm 2017 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tôi tin rằng với những thông điệp được gửi gắm trên sân khấu của hội thi sẽ có tác động và có sức lan tỏa nhất định, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân tại địa phương, làm cho lực lượng BCV, TTV nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm công việc mình đang đảm nhận, từ đó chủ động đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động PBGDPL ở cơ sở.