Phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết: Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân

(NTO) Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 369 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), lưu hành tại 55/65 xã, phường. Địa phương có số ca SXH nhiều như Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 114 ca, huyện Ninh Phước 98 ca, Ninh Hải 68 ca, Ninh Sơn 48 ca… Đặc biệt từ tháng 6, số ca bệnh liên tục gia tăng, với số ca mắc lên đến 169 ca. Trên thực tế, số ca nhiễm bệnh còn cao hơn vì đây chỉ là con số thống kê từ các cơ sở khám, chữa bệnh công lập.

Mặc dù số ca mắc SXH tăng, diễn biến dịch hết sức phức tạp, nhưng nhiều người dân vẫn chưa có ý thức phòng bệnh. Trong đợt kiểm tra tình hình dịch bệnh SXH tại 12 xã, phường trọng điểm do Sở Y tế tổ chức vừa qua, khi được hỏi, hầu hết người dân đều trả lời khá tốt các kiến thức cơ bản về bệnh SXH như: muỗi vằn là vật chủ truyền bệnh SXH, để phòng bệnh phải diệt lăng quăng, bọ gậy, tránh muỗi đốt…

Đoàn kiểm tra Sở Y tế kiểm tra công tác
phòng, chống dịch SXH tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm).

Tuy nhiên khi kiểm tra tình hình thực tế, tại khu vực sinh sống của rất nhiều hộ dân vẫn có các vật dụng phế thải, dụng cụ chứa nước có lăng quăng; nhiều hộ dân ở gần chuồng gia súc, gia cầm không được vệ sinh sạch sẽ; môi trường xung quanh nhiều bụi rậm… tạo điều kiện thuận cho muỗi, vi sinh vật phát triển… Điển hình như tại xã An Hải, qua kiểm tra 24 hộ dân, đã có 11 hộ có dụng cụ chứa nước có lăng quăng, tập trung chủ yếu ở các vật dụng chứa nước uống cho gia súc, dụng cụ trữ nước… Theo thống kê, riêng địa bàn xã An Hải (Ninh Phước) đã ghi nhận 56 ca SXH, với 3 ổ dịch, chiếm 57% số ca bệnh toàn huyện. Hay như tại phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), qua kiểm tra 20 hộ dân, có 5 hộ có dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Nhiều người dân xác nhận, về lý thuyết, bản thân nhận biết khá rõ cách phòng bệnh SXH, tuy nhiên, lại không mấy quan tâm, để ý đến việc kiểm tra các dụng cụ chứa nước, khu vực xung quanh có vật dụng phế thải chứa nước có lăng quăng hay không để vệ sinh, dọn dẹp… Chính sự chủ quan, thiếu ý thức của nhiều người dân trong công tác phòng bệnh là nguyên căn làm gia tăng số ca bệnh SXH trong thời gian qua.

Như vậy, vấn đề quan trọng trong công tác phòng chống dịch là phải làm sao thay đổi từ nhận thức cho đến hành động của người dân. Tuyên truyền, vận động được xác định là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các phương pháp tuyên truyền, vận động như hiện nay vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao, cần được đổi mới. Hoạt động truyền thông, tuyên truyền tại các địa phương chủ yếu là trên hệ thống loa truyền thanh, nhưng vẫn còn nhiều khu vực, nhất là các vùng ven đô, vùng nông thôn hệ thống loa truyền thanh kém chất lượng, bị hư hỏng, thậm chí chưa đến được nên nhiều người dân không nghe, biết thông tin cũng như các kiến thức về bệnh SXH. Nội dung tuyên truyền cũng cần cụ thể, tập trung vào những vấn đề cần thiết như: Tình hình dịch bệnh tại địa phương như thế nào, ở đâu có ổ dịch mới, hộ gia đình nào có người mắc bệnh; súc rửa dụng cụ chứa nước để loại bỏ triệt để ổ lăng quăng như thế nào cho đúng cách…, để thu hút sự chú ý, giúp người dân nâng cao ý thức và làm đúng các phương pháp phòng bệnh. Các địa phương cũng cần tăng tần suất, phát thanh tại nhiều thời điểm trong ngày để cho nhiều người dân được nghe.

Ngoài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của các địa phương, cán bộ các hội, đoàn thể cũng cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thường xuyên đến các nhà dân tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, thậm chí “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cách phòng bệnh, để việc làm này trở thành thói quen trong cuộc sống của người dân. Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Qua đợt kiểm tra cho thấy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả. Cụ thể là chỉ một vài thành viên trong Ban chỉ đạo như cán bộ y tế phường, cán bộ Hội Phụ nữ tích cực hoạt động, các thành viên còn lại hầu như ít quan tâm, không thường xuyên tham gia. Đây là hạn chế cần được khắc phục.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa đó là có một số người dân do nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng hóa chất diệt muỗi gây hại cho sức khỏe, nên khi cán bộ dự phòng đến nhà phun hóa chất diệt muỗi để chống dịch thì lại có hành vi chống đối, ngăn cản. Tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP, ngày

14-11-2013, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã quy định, các hành vi không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch… sẽ bị xử phạt hành chính. Do đó, ngoài công tác tuyên truyền, các cấp chính quyền cũng nên áp dụng các biện pháp chế tài nhằm răn đe, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống các dịch bệnh nói chung và dịch bệnh SXH nói riêng.