Cảnh giác việc mua hải sản chiếm dụng vốn

(NTO) Theo phản ánh của người dân xã Cà Ná (Thuận Nam), tiểu thương trong, ngoài tỉnh mua cá cơm hấp phơi khô ở địa phương số lượng lớn để xuất khẩu đi nước ngoài, sau đó, chiếm dụng vốn trong thời gian dài đã gây khó khăn cho các hộ kinh doanh hải sản ở địa phương trong việc thu hồi vốn để tái sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của UBND các xã Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam), hiện nay trên địa bàn 2 xã có 848 tàu thuyền, với tổng công suất 155.000 CV; trong đó, xã Cà Ná có 362 tàu thuyền/58.000 CV, xã Phước Diêm có 486 tàu thuyền/97.000 CV), đa số các phương tiện tàu thuyền công suất lớn làm nghề pha xúc cá cơm. Nhờ có ngư trường thuận lợi nên hàng năm ngư dân địa phương khai thác khoảng 38.000 tấn hải sản các loại, chủ yếu là cá cơm, dùng để hấp phơi khô, làm nước mắm. Trong đó, cá hấp phơi khô chiếm khoảng 40% tổng sản lượng khai thác. Với nguồn nguyên liệu cá cơm đánh bắt hàng năm lớn, giá thành thấp, nên nhiều người dân tính toán có lợi nhuận mạnh dạn đầu tư xây nhà, lò hấp, dụng cụ, thiết bị… tùy theo quy mô đầu tư, với kinh phí khoảng 200-300 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn 2 xã Phước Diêm và Cà Ná có hơn 50 lò hấp. Vào mùa vụ cá cơm (từ tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch), các chủ lò hấp sản xuất, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 25 tấn hải sản khô mỗi ngày.

Cá hấp phơi khô tại Cảng Cà Ná (Thuận Nam).

Anh Nguyễn Châu Long ở thôn Lạc Nghiệp, làm nghề hấp cá cơm phơi khô hơn 15 năm, cho biết: Nguồn cá cơm hấp phơi khô ở địa phương sản lượng nhiều, chất lượng, nên các tiểu thương ngoài tỉnh đến tìm hiểu nguồn hàng, thuê kho lạnh tại địa phương để thu mua, trữ cá số lượng nhiều, rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Lúc đầu mua bán, các tiểu thương chấp nhận mua giá cao hơn tiểu thương tại địa phương, trả tiền đúng thời hạn nên thu hút nhiều chủ lò hấp cá tới bán hàng. Sau một thời gian tạo được niềm tin thì tiểu thương gom hàng số lượng lớn nhưng thanh toán tiền rất chậm, mua hàng đợt sau thì trả đợt trước, cứ gối đầu như vậy, chiếm dụng vốn của các chủ lò hấp với số tiền lên đến hàng tỷ đồng trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng phải chấp nhận rủi ro khi bán cho tiểu thương ngoài tỉnh vì sản lượng cá hấp phơi khô tại địa phương sản xuất ra nhiều, nhưng không tìm được đầu ra tiêu thụ ổn định. Anh Long cho biết thêm, trước đây, anh cũng bán sản phẩm cho tiểu thương ở địa phương thu mua cá cơm hấp rồi xuất khẩu, đến nay vẫn còn nợ anh 200 triệu đồng mà không biết khi nào trả, để xoay vòng vốn, tái đầu tư, duy trì lò hấp, rồi trả tiền thuê 2.000 m2 ở Cảng Cà Ná mở rộng, với giá thuê 45 triệu đồng/năm…

Được biết người dân Cà Ná và Phước Diêm khi mua, bán hải sản chủ yếu dựa vào quen biết, niềm tin với nhau, mặc dù giao dịch hàng hóa có giá trị từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng cũng chỉ ghi nhận bằng hình thức viết giấy tay, mà không có hợp đồng mua bán. Vấn đề này đã diễn ra nhiều năm, nên khi xảy ra tranh chấp thì cơ quan chức năng khó có cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại.

Đồng chí Võ Văn Hiền, Trưởng Công an xã Cà Ná cho biết: Chính quyền địa phương đã nắm tình hình vụ việc trên. Trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng có liên quan để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tạo thói quen khi giao dịch giá trị lớn phải có hợp đồng bảo đảm tính pháp lý. Đồng thời, giúp người dân biết cách chủ động, tố giác các đối tượng thu mua hải sản có ý định chiếm dụng vốn với số tiền rất lớn trong thời gian dài để kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, góp phần tạo môi trường thuận lợi để người dân an tâm sản xuất, kinh doanh.