Hiệu quả những con tàu “67”

(NTO) Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ–CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 31 dự án đóng mới và 2 dự án nâng cấp tàu cá; trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả, chất lượng đảm bảo, tạo được niềm tin cho ngư dân tiếp tục thực hiện chương trình ra khơi bám biển dài ngày, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Anh Lê Minh Trí ở xã Thanh Hải (Ninh Hải), trước đây làm nghề vây rút chì, chụp mành, khai thác ven bờ, hưởng lợi vốn ưu đãi từ Nghị định 67, anh đóng tàu vỏ composite NT-91135-TS công suất 829 CV, đầu tư các thiết bị hiện đại vươn khơi đánh bắt ở vùng biển xa. Ban đầu hạ thủy tàu, anh lo lắng vì chưa tiếp cận được công nghệ mới, sau những chuyến ra khơi có lãi, đến nay anh tự tin nắm chắc thắng lợi. Tính đến nay, anh Trí đã ra khơi hàng chục chuyến, sau khi trừ chi phí mỗi chuyến kéo dài 25 ngày thu lãi từ 100-200 triệu đồng. Cùng chung niềm vui, sau khi tiếp cận vốn Nghị định 67, anh Võ Ngọc Minh ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã đóng tàu vỏ gỗ kết hợp composite NT-91142-TS, công suất 940 CV, làm nghề dịch vụ đã có 18 chuyến thu mua hải sản ở khu vực đảo Phú Quý, vùng biển giáp ranh Malaysia, thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng, trả được lãi và một phần gốc ngân hàng theo định kỳ, thu nhập cao hơn so với sử dụng tàu cũ trước đây.

Tàu đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh ta đi vào hoạt động có hiệu quả kinh tế. Ảnh: Văn Nỷ

Tại Kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh khóa X, tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: Tỉnh ta được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt Nghị định 67. Kết quả khảo sát bước đầu về các tàu cá đi vào hoạt động đa phần có hiệu quả kinh tế, bình quân 1 chuyến ra khơi mỗi tàu thu lãi vài trăm triệu đồng, cao gấp rưỡi so với tàu công suất nhỏ trước đây. Đạt được kết quả trên đó là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ ngư dân hoàn thiện hồ sơ đăng ký vay vốn tín dụng đóng tàu mới, giới thiệu các cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu đảm bảo chất lượng. Phần lớn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định được tháo gỡ kịp thời, công tác phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng, đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm hay lợi dụng chính sách. Chính điều này, đã tạo niềm tin để ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển tàu cá công suất lớn, vươn khơi khai thác vùng biển xa, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, toàn tỉnh có khoảng 106 tàu cá công suất từ 400 CV trở lên, đến nay đã có 136 tàu công suất 400 CV trở lên; trong đó có 8 tàu công suất trên 700 CV, đặc biệt có tàu công suất 1.000 CV, góp phần nâng cao năng lực tàu thuyền, nâng cao sản lượng đánh bắt hải sản. Từ đầu năm đến nay, ngư dân trên toàn tỉnh đánh bắt được khoảng 60.000 tấn hải sản, tăng 31,6% so với cùng kỳ.

Đánh giá về tầm quan trọng của Nghị định 67, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng tàu mới, nâng cấp tàu công suất lớn có khả năng vươn khơi xa hoạt động dài ngày, nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị nghị 67 đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá, nhờ đó tỉnh ta có những con tàu được đóng bằng thép, composite, trang bị máy chính mới và các thiết bị khai thác hiện đại khác, điều mà từ trước đến nay ngư dân trong tỉnh có muốn cũng không thực hiện được bởi kinh tế hạn hẹp.

Tuy vậy, khách quan nhìn nhận, quá trình thực hiện chính sách phát triển thủy sản vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Đối với những dự án đã được đầu tư hoạt động không hết công suất, vẫn còn một số tàu khai thác vùng lộng, chưa thực sự vươn ra đánh bắt ở các vùng biển xa bờ, nguyên nhân là chủ tàu thiếu vốn lưu động, thiếu kinh nghiệm làm nghề ở ngư trường mới. Một tồn tại nữa là, việc lập hồ sơ kỹ thuật đối với dự án đóng tàu mới tốn nhiều thời gian do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thiết kế mẫu chậm; trong khi đó, các chủ tàu thường xuyên thay đổi nội dung làm ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ. Đơn cử, trường hợp anh Phạm Đình Trường ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) đã 3 lần thay đổi nội dung đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật nhiều lần.

Trung ương phân bổ chỉ tiêu cho tỉnh ta đóng mới 71 tàu cá theo Nghị định 67. Đến nay, ngoài 25 dự án đi vào hoạt động kể trên, thì hiện có 2 dự án đang thi công và một số dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn tín dụng đóng mới. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 67, giải pháp ngành chức năng đưa ra là bên cạnh đẩy mạnh tiến độ giải quyết hồ sơ vay vốn đóng mới, thì tiến hành khảo sát ngư trường, hướng dẫn ngư dân đưa tàu cá đến khai thác ở các ngư trường mới trên các vùng biển xa bờ; đồng thời, kiến nghị Trung ương công bố danh sách các đơn vị tư vấn thiết kế tàu cá có năng lực, kinh nghiệm để ngư dân lựa chọn hợp đồng đóng tàu mới, tránh sai sót về kỹ thuật như một số tỉnh từng gặp.