Điểm mới trong xây dựng Đảng ở Thuận Bắc

(NTO) Là huyện trung du miền núi, Thuận Bắc có dân số trên 41.000 người, trong đó có gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Raglai chiếm 62%), đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Do đặc điểm trên, việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở nông thôn, miền núi tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2015 và những năm tiếp theo” luôn được Huyện ủy Thuận Bắc quan tâm chỉ đạo.

Nông dân Thuận Bắc đầu tư phát triển diện tích trồng ớt, nâng cao thu nhập. Ảnh: V.M

Toàn Đảng bộ huyện Thuận Bắc hiện có 41 TCCSĐ, với gần 940 đảng viên (ĐV), trong đó chiếm gần 36% ĐV là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là Raglai, Chăm); riêng vùng nông thôn có 6 đảng bộ cơ sở xã (khoảng 600 ĐV). Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, hệ thống chính trị cơ sở xã đã từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Thuận Bắc, qua đánh giá, phân loại TCCSĐ xã và ĐV hằng năm, có 4-5 đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh, không có đảng bộ xã yếu kém; tỷ lệ ĐV “hoàn thành tốt nhiệm vụ” đạt từ 80-81,3% (chỉ tiêu là 80%). So với trước khi thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, điểm mới đầu tiên dễ nhận ra là chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

(CB, CC) xã được nâng cao. Trong giai đoạn 2012-2015, Thuận Bắc đã cử 30 CB cấp xã đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (26 đại học, 4 trung cấp), qua đó nâng đội ngũ CB chuyên trách đạt chuẩn chuyên môn từ 42% lên 63,6% và công chức xã đạt chuẩn chuyên môn từ 13% lên 89,4%. Cùng thời gian trên còn cử 42 CB xã tham gia học lớp lý luận chính trị (36 trung cấp, 6 cao cấp), nâng dần chuẩn lý luận chính trị cho CB, CC xã.

Đối với công tác phát triển ĐV mới ở các xã, tính từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2016, Thuận Bắc đã thực hiện kết nạp được 163 ĐV mới, đạt so với chỉ tiêu; riêng từ đầu năm đến nay, khối xã kết nạp 25 ĐV, trong đó có 11 ĐV là người dân tộc thiểu số. Nhờ làm tốt công tác kết nạp ĐV mới, Thuận Bắc đã hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra là 100% thôn có chi bộ, cụ thể có 32/32 thôn trong huyện hình thành chi bộ, xóa tình trạng thôn sinh hoạt chi bộ ghép trước đây ở thôn Láng Me (xã Bắc Sơn). Đồng chí Ngô Thời Vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: Ngay năm đầu thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU; đồng thời, phân công 32 huyện ủy viên phụ trách 32 chi bộ thôn và chỉ đạo đảng ủy các xã tiếp tục phân công đảng ủy viên theo dõi hoạt động của các chi bộ thôn nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh, chỉ đạo của từng chi bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nhờ cách làm quyết liệt đó nên hoạt động của các chi bộ có chuyển biến đáng kể, một số chi bộ thôn thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với nhân dân vùng nông thôn, miền núi Thuận Bắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khối đảng xã ở Thuận Bắc, ngoài duy nhất Bắc Phong là đảng bộ xã đồng bằng, còn lại có 5 đảng bộ xã trung du miền núi: Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải, Lợi Hải và Bắc Sơn. Điều ghi nhận là qua thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, tác động tích cực trong công tác xây dựng TCCSĐ lại thể hiện rõ tại 2 xã đặc biệt khó khăn Phước Chiến, Phước Kháng, nhất là Phước Chiến. Những năm trước đây, hầu hết CB xã Phước Chiến chưa đạt chuẩn, nhận thức được trách nhiệm của mình, để khắc phục hạn chế về trình độ, họ đã tự giác lo kinh phí đi học bổ túc văn hóa và sau khi hoàn thành lại tiếp tục đi học chuyên môn theo chuẩn quy định. Đồng chí Đá Mài Bắng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến chia sẻ: Tính trong số tự túc đi học đã có 12 CB xã tốt nghiệp bổ túc trung học và có 14 người đang theo học chuyên môn trung cấp, 3 người học đại học, dự kiến đầu năm tới Phước Chiến sẽ đạt chuẩn CB, CC xã.

Nhìn chung, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ CB, ĐV ở Thuận Bắc đã có chuyển biến mới. So với trước kia, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định tương đối cụ thể; xác định rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng ở cơ sở, điều hành của chính quyền và sự phối hợp hoạt động của các tổ chức Mặt trận, đoàn thể. Theo đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi cũng đã khởi sắc. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh xây dựng các công trình hạ tầng, Thuận Bắc chú trọng triển khai và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân; hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Theo đồng chí Ngô Thời Vụ, phát huy kết quả những năm qua, trong thời gian tới, Huyện ủy Thuận Bắc xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU. Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ ở nông thôn, miền núi, sẽ tập trung lãnh đạo hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đối với công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là sắp xếp tổ chức chi bộ thôn phù hợp thực tế cơ sở, đẩy mạnh tạo nguồn phát triển ĐV ở địa bàn thôn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.