Những kết quả ghi nhận qua thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh

(NTO) Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội khoá XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Đây là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa trong việc ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước; đảm bảo quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả, sử dụng hợp lý, công khai, minh bạch và dân chủ.

Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 8-4-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1647/KH-UBND về tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng đất nắm được những quy định cơ bản của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc quản lý, sử dụng đất đai; nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp tỉnh, cấp huyện; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi cá nhân đối với việc thực hiện Luật Đất đai nói riêng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về đất đai nói chung.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai giúp ổn định đất sản xuất lâu dài cho nông dân.
Trong ảnh: Nông dân phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thu hoạch lúa vụ đông-xuân 2017. Ảnh: M.D

Cùng với kế hoạch nói trên, UBND tỉnh còn ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền, cụ thể như: Quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở, đất nông nghiệp trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh; ban hành bảng giá các loại đất kỳ 2015-2019; quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Ngoài ra, hằng năm UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt danh mục các công trình, dự án phải thu hồi đất trong năm; Nghị Quyết phê duyệt danh mục các công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng… Công tác này góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Đặc biệt, ngày 30-9-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16/NQ-TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, góp phần quan trọng trong tạo điều kiện để đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống. Đồng thời, quan tâm và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai, không để ách tắc gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực này, đối với hộ gia đình cá nhân, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 55.347,5 ha đất nông nghiệp, đạt 98,7%; đất ở 4.517,95 ha, đạt 95% (chưa tính diện tích đất lâm nghiệp). Đối với tổ chức, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.172 tổ chức/2.648 vị trí đất/174.333,64 ha, đạt 100% diện tích cần phải cấp giấy. Về công tác kê khai đăng ký đất đai, quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 95, Luật Đất đai năm 2013, đã có 100% thửa đất đang sử dụng đều được kê khai đăng ký.

Hơn 3 năm qua, tỉnh ta cũng đã kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó chỉ tiêu đất trồng lúa đến năm 2020 là 18.633 ha, giảm 2.228,37 ha; đất chuyên trồng lúa nước 15.981 ha, giảm 1.221,60 ha so với hiện trạng. Tuy diện tích đất trồng lúa có giảm, nhưng vẫn đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa và đất chuyên trồng lúa nước theo chỉ tiêu phân khai của Chính phủ, đồng thời đúng với tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Một trong những kết quả rất đáng ghi nhận nữa là tỉnh tập trung chỉ đạo công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực và giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của địa phương, người dân và doanh nghiệp trong quá trình quản lý và sử dụng đất. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn, các công trình trọng điểm; công tác kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất được tăng cường.

Để Luật Đất đai năm 2013 được thực thi nghiêm túc, công tác tổ chức bộ máy cơ quan quản lý đất đai tiếp tục được rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được quan tâm và chú trọng, đã tập trung quyết liệt để xây dựng và công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính nhằm dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc như việc lấn, chiếm đất chưa sử dụng do UBND cấp xã quản lý để yêu cầu bồi thường, hỗ trợ khi có dự án đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp mà mang tính đầu cơ khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn diễn ra; nhiều dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng trong thời gian dài hoặc tiến độ thực hiện dự án còn chậm; sử dụng đất không hiệu quả hoặc sai mục đích; tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng; công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn buông lỏng... Nguyên nhân chủ yếu là do việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai hiệu quả chưa cao; các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, thanh tra các dự án sau khi giao đất, cho thuê đất còn hạn chế; UBND một số huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chưa coi trọng công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương; một số nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, việc áp dụng thi hành văn bản luật, do có sự chồng chéo, trùng lắp giữa Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật và với các quy định tại các văn bản luật khác...