Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đầu cấp tiểu học

(NTO) Cùng với các công việc chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái đang tích cực tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) đầu cấp tiểu học (TH), qua đó trang bị cho các em kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để giúp các em tự tin bước vào lớp 1.

Đến thăm một lớp học chuẩn bị cho HS bước vào lớp 1 tại Trường TH Phước Thắng, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của các cô giáo nơi đây. Đa số HS là con em đồng bào Raglai với khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế, vì ngay từ nhỏ các em đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, môi trường giao tiếp tiếng Việt cũng không nhiều. Do đó, các cháu rất khó khăn trong giao tiếp với giáo viên và hạn chế trong tiếp thu kiến thức. Thầy giáo Phan Ngọc Còi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với các em qua lớp mẫu giáo thì đã nghe, nói và hiểu tiếng Việt cơ bản nên kỹ năng sử dụng tiếng Việt khi vào lớp 1 sẽ dễ dàng hơn. Còn đối với các em chưa qua lớp mẫu giáo thì rất khó khăn trong tiếp thu bài học, nhiều em không hiểu hết lời của giáo viên, ngại giao tiếp, chính vì thế đòi hỏi sự kiên trì của giáo viên. Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy tiếng Việt qua các trò chơi, giao lưu văn nghệ và dùng các tài liệu, đồ dùng dạy học trực quan để giúp các em tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Việt.

Giáo viên Trường Tiểu học Phước Đại A dạy tiếng Việt cho HS chuẩn bị bước vào lớp 1.

Tương tự, tại Trường TH Phước Đại A, việc dạy tiếng Việt cho HS chuẩn bị bước vào lớp 1 cũng đang được triển khai tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Uyên, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Đối với HS DTTS khi học tiếng Việt, các em thường dùng tiếng mẹ đẻ xen vào. Do môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt bị hạn hẹp chính là rào cản lớn nhất để rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt của HS DTTS. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tăng cường dạy tiếng Việt với nhiều hình thức phong phú, phù hợp như các kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Trong quá trình dạy chú ý đến việc phân loại khả năng tiếng Việt của từng em để có phương pháp, nội dung dạy tiếng Việt cho phù hợp.

Bác Ái là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, với trên 90% là đồng bào DTTS; toàn huyện có 11 trường mẫu giáo, 16 trường TH và 9 trường THCS. Những năm qua, kinh phí và nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động dạy tiếng Việt cho trẻ em DTTS còn eo hẹp; chưa có chế độ, chính sách cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS trước khi vào lớp 1 trong hè.

HS tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp do không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt nên gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, đặc biệt là những trẻ không qua lớp Mẫu giáo. Do không biết tiếng Việt nên những HS này còn khó khăn trong giao tiếp, thiếu mạnh dạn trong các hoạt động, hạn chế trong tiếp thu kiến thức. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều HS DTTS lưu ban, bỏ học ở cấp TH.

Ông Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cho biết: Với học sinh người DTTS, khi đến trường các em phải làm quen với một ngôn ngữ khác hoàn toàn tiếng mẹ đẻ nên trong quá trình học tập cũng bị ảnh hưởng không ít. Để trang bị tiếng Việt cho HS DTTS bước vào lớp 1, trong năm học mới này, Phòng đã chỉ đạo các trường khắc phục những hạn chế từ các năm học trước, xác định được vấn đề trọng tâm, lựa chọn các nội dung, kiến thức dạy tiếng Việt phù hợp để các em bước vào năm học mới khỏi bỡ ngỡ; có phương pháp rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho các em, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học.