Hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Thuận Bắc

(NTO) Phát huy lợi thế từ các công trình thủy lợi hồ Sông Trâu, Bà Râu, Ma Trai…, thời gian qua, huyện Thuận Bắc tập trung lãnh đạo phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học- kỹ thuật (KHKT), đến nay trên địa bàn đã hình thành các vùng chuyên canh những loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh.

Nhìn lại hoạt động chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp ở Thuận Bắc có thể thấy, huyện chú trọng lựa chọn các mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ dân trí của từng xã, khu vực để triển khai thực hiện, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn. Đối với những xã vùng núi, nơi tập trung đông đồng bào Raglai sinh sống thì áp dụng các mô hình canh tác trên đồi dốc, với các loại cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến như mía, bạch đàn; đồng thời, phát triển các loại cây ăn quả đặc thù như cam Phước Chiến, chuối Phước Kháng. Riêng vùng đồng bằng, chú trọng nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, giá trị sản phẩm như mô hình “1 phải, 5 giảm” sản xuất lúa giống ở xã Công Hải, mô hình vỗ béo, cải tạo đàn bò. Theo báo cáo, từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã triển khai 50 mô hình sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 42 mô hình đã nghiệm thu và được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình thâm canh lúa nước, cây mía tại các xã miền núi; sản xuất lúa giống tại xã Bắc Phong, Bắc Sơn; mô hình trồng bắp lai NK66 tại xã Lợi Hải đem lại thu nhập cao cho nông dân. Từ việc nhân rộng mô hình mới ở các xã miền núi đã góp phần nâng cao cuộc sống cho đồng bào Raglai, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ biết ứng dụng KHKT vào trồng trọt và chăn nuôi.

Anh Chamaléa Hai, thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải thoát nghèo nhờ ứng dụng KHKT
vào trồng bắp lai.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, huyện tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xác định vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng đặc thù hướng tới hình thành những cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Công tác chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gần đây có nhiều điểm mới so với trước, đó là: Tránh thực hiện mô hình một cách dàn trải, tập trung chuyển giao các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị đơn vị diện tích bình quân 60- 70 triệu đồng/ha/năm hiện nay lên 300 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020. Mở đầu cho hoạt động này là huyện quyết tâm thực hiện thành công mô hình thí điểm cây măng tây xanh ở xã Bắc Sơn, Lợi Hải, Bắc Phong với tổng diện tích 1,1 ha, sau đó nhân rộng ra trên quy mô lớn trong những năm tới. Hiện tại, huyện đã hỗ trợ giống cho 5 hộ thực hiện mô hình ươm cây con để trồng vào cuối tháng này. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chọn 5 hộ ở thôn Gòn Trên và thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải đủ điều kiện thực hiện mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng được đánh giá là thích nghi với thổ nhưỡng ở khu vực, giá trị kinh tế cao, mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân trong vùng.

Điểm nổi bật trong chuyển giao KHKT ở huyện Thuận Bắc đó là chọn cách làm hay, theo quy trình cụ thể. Đầu tiên chỉ thử nghiệm một số mô hình ứng dụng cơ giới, kỹ thuật tiên tiến, đến khi nhân rộng mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Với hình thức này, đã huy động được nguồn lực, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp để thực hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Giải pháp vận động nông dân thông qua hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao huyện đang thực hiện là hướng đi thích hợp, đảm bảo quyền lợi cho các bên, đây chính là mấu chốt để thúc đẩy chuyển giao KHKT vào sản xuất.