Đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái (Cảng cá Đông Hải) và sự đồng thuận của ngư dân

(NTO) Cảng cá Đông Hải (phường Đông Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) là một trong những cảng lớn của tỉnh được đưa vào sử dụng từ tháng 10-1996 với quy mô công suất cảng phục vụ được từ 336-400 chiếc tàu cá loại dưới 140 CV. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển nghề cá của tỉnh nói chung và nhu cầu “giao thương” với nghề cá cả nước nhất là khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nên với quy mô hiện tại Cảng cá Đông Hải đã trở nên quá tải cần phải đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Từ thực hiện chủ trương “xã hội hóa”…

Như đã nêu trên, Cảng cá Đông Hải không những quá tải mà còn ngày càng xuống cấp do “khai thác” quá mức nhưng việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại có giới hạn, đặc biệt là hệ thống luồng lạch và vũng đậu tàu chưa được đầu tư đồng bộ, còn cạn và hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển tàu thuyền khai thác hải sản, nhất là tàu thuyền có công suất lớn từ vài trăm đến cả ngàn CV được nhiều ngư dân đầu tư thay thế dần những con tàu công suất dưới 100 CV - “một thời” được cho là tàu lớn và phù hợp với quy mô của cảng cá được xây dựng ban đầu. Theo lãnh đạo Ban Quản lý khai thác các cảng cá của tỉnh cho biết, những năm gần đây, Cảng cá Đông Hải thường xuyên có gần 640 tàu cá trong và ngoài tỉnh ra vào neo đậu buôn bán hải sản sau mỗi chuyến biển, trong số này có nhiều tàu công suất lớn, tăng gần gấp đôi so với “sức chứa” của cảng cá. Để khắc phục tình trạng quá tải như đã đề cập phần trên, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái (Cảng cá Đông Hải) với mục tiêu có thể đảm bảo neo đậu tránh trú bão cho trên 550 tàu cá có công suất tới 200 CV, đồng thời có khả năng kết hợp với việc cung cấp dịch vụ cho tàu cá khi cần thiết. Dự án bao gồm nhiều hạng mục công trình như: kè bờ có trụ neo phía Cảng cá Đông Hải, trụ neo phía bờ kè cồn Tân Thành, trụ neo phía bờ kè thôn Phú Thọ, nạo vét thông luồng chạy tàu và vũng đậu tàu,... với tổng vốn đầu tư trên 283,34 tỷ đồng.

Công ty TNHH TM-DV-XD Phương Thảo Nguyên nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái.

Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, không bố trí đủ để thực hiện dự án nói trên đúng với tiến độ đề ra. Nhằm đảm bảo dự án triển khai đồng bộ các hạng mục và giải quyết các nhu cầu bức xúc của ngư dân trong việc neo đậu tại Cảng cá Đông Hải, nhất là tránh trú trong mùa mưa bão, UBND tỉnh đã chọn giải pháp thực hiện “xã hội hóa” bằng việc huy động nguồn lực từ phía doanh nghiệp. Theo “phương án” này, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương giao Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Phương Thảo Nguyên (gọi tắt là Công ty Phương Thảo Nguyên) đầu tư thực hiện hạng mục nạo vét luồng chạy tàu và vũng đậu tàu và “đổi lại” Công ty được quyền tận thu sản phẩm nạo vét là cát nhiễm mặn để xuất khẩu. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cao trình nạo vét là -3,8 m; mái dốc nạo vét là m = 3,0 m; giới hạn nạo vét và tận thu cát yêu cầu cách chân bờ và công trình xây dựng hiện hữu tối thiểu 50 m; tổng trữ lượng nạo vét gần 2,257 triệu m3 với tổng diện tích trên 585.276 m2. Thời gian thực hiện gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11-2013 đến tháng 9-2014; giai đoạn 2 từ tháng 6-2017 đến tháng 12-2019.

... Đến kết quả thực hiện

Thực hiện Văn bản số 2344/UBND-KTN ngày 24-5-2013 và Văn bản số 5142/UBND-KTN ngày 29-10-2013 của UBND tỉnh về việc nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái, nạo vét luồng và vũng đậu tàu Cảng cá Đông Hải, ông Đỗ Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thảo Nguyên cho biết: Tại giai đoạn 1, ở hạng mục nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái, Công ty thực hiện đạt khối lượng trên 935.860 m3. Riêng hạng mục nạo vét luồng và vũng đậu tàu Cảng cá Đông Hải, Công ty đã đầu tư trên 30,406 tỷ đồng để thi công nạo vét với khối lượng trên 355.400 m3 (thời gian thi công từ tháng 7-2013 đến tháng 4-2014). Dự án nạo vét luồng và vũng đậu tàu Cảng cá Đông Hải đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu bè ra vào Cảng cá Đông Hải và vũng đậu tàu. Thực tế cũng cần được ghi nhận là việc thực hiện “xã hội hóa” đã mang lại kết quả đích thực. Điển hình là với Dự án nạo vét luồng và vũng đậu tàu Cảng cá Đông Hải, năm 2012, UBND tỉnh đã ký Quyết định chi 13,7 tỷ đồng để thi công nạo vét 112.000 m3, giải quyết vấn đề cấp thiết cho tàu thuyền ra vào. Nhưng thay vì ngân sách đầu tư như trước kia thì Công ty Phương Thảo Nguyên đã đảm nhận công việc này bằng chính nguồn vốn của doanh nghiệp tự bỏ ra với tổng chi phí cũng như khối lượng thực hiện tăng gần gấp 3 lần so dự án ban đầu của tỉnh như đã nêu trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách cho tàu thuyền từ công suất nhỏ đến công suất từ 400-500 CV ra vào và neo đậu trước mùa mưa bão. Mặt khác, ngoài việc tận thu bù chi phí, Công ty Phương Thảo Nguyên cũng đã nộp thuế vào ngân sách của tỉnh trên 19,43 tỷ đồng. Hiện Công ty đang tiếp tục giai đoạn 2 của Dự án nạo vét với tổng khối lượng thi công nạo vét trên 1,4 triệu m3, thời gian thực hiện từ tháng 6-2017 đến tháng 12-2019. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đối với Dự án nạo vét của Công ty Phương Thảo Nguyên nếu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước phải bỏ ra trên 48 tỷ đồng, trong khi đó nguồn ngân sách còn nhiều hạn hẹp, do đó việc thực hiện nạo vét bằng hình thức xã hội hóa do Công ty Phương Thảo Nguyên thực hiện không chỉ góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn bổ sung nguồn thu ngân sách cho địa phương...

Vấn đề cũng đáng quan tâm là qua thực hiện Dự án nạo vét của Công ty Phương Thảo Nguyên, đã có một số người dân địa phương tỏ ra lo ngại đơn vị sẽ khai thác “quá mức”; việc khai thác sẽ khiến cho ven bờ bị sạt lở, kè bảo vệ đê chắn sóng, kè cửa biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng; ảnh hưởng đến môi trường biển, ô nhiễm vệ sinh môi trường nước, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, nguồn thủy hải sản gần bờ bị tận diệt, ảnh hưởng sinh kế của người dân trong vùng. Ngoài ra, còn cho rằng UBND tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc dừng khai thác khoáng sản cát... Được biết, những kiến nghị nêu trên đã được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức đối thoại với người dân vào chiều ngày 18-7-2017 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tại buổi đối thoại, người dân đã được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan, qua đó đã đồng thuận với việc thực hiện Dự án nạo vét của Công ty Phương Thảo Nguyên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thảo Nguyên khẳng định rằng: Trong quá trình thi công Dự án nạo vét, Công ty kết hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ giám sát thi công thực hiện theo kế hoạch và biện pháp thi công đã lập. Các vấn đề về môi trường, sạt lở bờ sông và an toàn công trình đã được Công ty thực hiện nghiêm túc như duy trì thường xuyên việc cắm mốc phao tiêu báo hiệu phạm vi công trình để làm cơ sở kiểm tra; định kỳ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, lấy mẫu phân tích các thông số môi trường; thực hiện nạo vét theo đúng phạm vi quy định, đảm bảo thi công an toàn về khoảng cách các công trình đê, kè trong khu vực nạo vét, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và kỹ thuật... Ông cũng cho rằng, trong quá trình thi công không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản và sự di chuyển tàu thuyền trên dọc tuyến luồng dẫn đến ảnh hưởng đến đời sống của bà con xung quanh. Trước những ảnh hưởng trên, Công ty đã chủ động đưa ra các phương án nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng đến đời sống của bà con xung quanh một cách tốt nhất có thể. “Chúng tôi cũng rất mong chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền để bà con hiểu được tính chất của dự án xã hội hóa, doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thực hiện các dự án của tỉnh. Đổi lại, doanh nghiệp được tận thu sản phẩm để bán, lấy thu bù chi, góp phần nộp thuế cho tỉnh thay vì ngân sách của tỉnh phải chi ra để thuê thi công nạo vét và đổ bỏ. Tính chất của dự án xã hội hóa luôn phải đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi cho tất cả các bên liên quan, trong việc này, bên được hưởng quyền lợi tối ưu nhất vẫn là người dân và chúng tôi đã chứng minh trách nhiệm của mình trong thời gian qua.” - ông Đỗ Quang Huy cho biết thêm.

Ông Diệp Danh Lâm
Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):

Hiện nay, trên địa bàn phường Đông Hải có trên 370 tàu thuyền, trong đó có 127 tàu công suất từ 90CV trở lên, tàu lớn nhất có công suất lên đến 1.005 CV. Đa số các ngư dân đều đồng tình và ủng hộ vì Dự án hoàn thành không chỉ phục vụ nhu cầu buôn bán, tránh trú bão cho bà con ngư dân mà còn thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

 

 

 

 

 

Ông Trần Công Thắng
(khu phố 4, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):

Gia đình tôi hiện có 3 chiếc tàu, trong đó có một chiếc công suất 829 CV được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Việc nạo vét và mở rộng Cảng cá Đông Hải giúp cho tàu lớn có thể ra vào Cảng dễ dàng hơn, không phải “chen lấn” mỗi khi đưa tàu cập Cảng, đồng thời, các tàu của tỉnh bạn “mạnh dạn” hơn khi đến Cảng cá Đông Hải, giúp cho bà con ở đây có điều kiện buôn bán tốt hơn. Ngoài ra, mỗi khi đến mùa mưa bão, bà con ngư dân còn có nơi tránh trú bão an toàn.