VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Lập lại trật tự xây dựng phải có quyết tâm cao!

(NTO) Theo báo cáo của ngành Xây dựng, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh nói chung đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Điều này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo các địa phương và ngành liên quan trong việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 23-CT/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh”, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời kiên quyết xử lý, buộc tháo dỡ những công trình vi phạm… nhờ đó đã hạn chế đáng kể những trường hợp bất chấp các quy định về xây dựng, nhất là trên đất nông nghiệp vốn là thực trạng khá phổ biến trước đây trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê, chỉ tính qua 6 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra về trật tự xây dựng 391 công trình và nhà ở riêng lẻ, phát hiện 122 công trình vi phạm, giảm 50 công trình, nhà ở riêng lẻ so với năm 2016 (giảm 29,26%), góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên vẫn còn những hạn chế, đó là nhiều địa phương việc xử lý chưa đảm bảo kịp thời, thiếu kiên quyết ngay khi phát hiện; tình trạng nể nang, không tổ chức bố trí lực lượng ngăn chặn triệt để dẫn đến những nhà xây vi phạm vẫn tiếp tục hoàn thiện đưa vào sử dụng; số vụ vi phạm diễn ra nhiều, nhất là địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (90 vụ), huyện Ninh Phước (29 vụ), huyện Ninh Sơn (28 vụ). Hầu hết số vụ vi phạm được phát hiện chỉ dừng lại ở hình thức ra quyết định đình chỉ thi công, xử phạt vi phạm hành chính…Vấn đề cũng cần quan tâm là đối tượng vi phạm không chỉ là người dân mà có cả công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, hiện tượng này sẽ dẫn đến tâm lý so bì của người dân trong việc chấp hành pháp luật, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm đối với công trình buộc tháo dỡ. Mặt khác, chưa thể hiện rõ sự vào cuộc của Mặt trận, đoàn thể ở địa phương trong việc phối hợp tham gia phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng…

Để công tác quản lý trật tự xây dựng trong thời gian đến thực sự đi vào nền nếp, nhiệm vụ trọng tâm là cần có sự tập trung cao độ trong điều hành, quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền các địa phương; phát huy được vai trò phối hợp của các đoàn thể, ngành liên quan, nhất là phối hợp thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai giữa chính quyền với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể; tổ chức cho các xã, phường ký cam kết với UBND các huyện, thành phố không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện xử lý phá dỡ công trình xây dựng vi phạm ngay từ đầu; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ thuộc quyền quản lý được phân công làm nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng có biểu hiện buông lỏng việc quản lý trật tự xây dựng, để xảy ra vi phạm. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép, kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ trả lại hiện trạng đối với các trường hợp xây dựng vi phạm buộc tháo dỡ; kiên quyết xử lý đối với các cơ quan có cán bộ, công chức vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, đồng thời tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu đất ở, tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chỉnh trang, quy hoạch chi tiết những khu vực có hạ tầng làm cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng nhà ở; công bố, công khai các quy hoạch xây dựng được phê duyệt cũng như các khu vực cấm xây dựng, cấm chuyển mục đích sử dụng đất để người dân được biết và chấp hành…

Thiết nghĩ, nếu có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, Mặt trận và các đoàn thể, sự đồng thuận thực hiện theo pháp luật của người dân, việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả mới…theo đúng tinh thần Chỉ thị 23-CT/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.