Cần khôi phục tổ bảo vệ san hô Hòn Đỏ

(NTO) Rạn san hô Hòn Đỏ thuộc địa bàn thôn Mỹ Hiệp (Thanh Hải, Ninh Hải) có ý nghĩa quan trọng về mặt bảo tồn sinh vật biển đối với Việt Nam và thế giới. Năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ thành lập tổ bảo vệ san hô Hòn Đỏ có 6 thành viên. Đến cuối năm 2013, tổ này ngừng hoạt động do không được hỗ trợ kinh phí. Việc khôi phục tổ bảo vệ san hô Hòn Đỏ là rất cần thiết cho việc bảo vệ tài nguyên biển gắn với bảo vệ rừng dương đang bị chặt phá.

Anh Diệp Nghĩa Hùng mong muốn khôi phục Tổ bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ.

Chúng tôi tìm gặp anh Diệp Nghĩa Hùng nguyên là Trưởng Ban quản lý thôn Mỹ Hiệp kiêm Tổ trưởng bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ. Anh Hùng được tham gia các lớp tập huấn về mô hình bảo vệ có sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và phương pháp quản lý hiệu quả khu bảo tồn biển. Tháng 8- 2003, Tổ bảo vệ san hô Hòn Đỏ được thành lập đi vào hoạt động. Các thành viên tuyên truyền vận động bà con thôn xóm từ bỏ nghề khai thác san hô màu và cấm sử dụng chất nỗ, chất độc đánh cá trong vùng bãi rạn. Tính đa dạng của bãi rạn san hô vừa làm con đê tự nhiên bền vững chắn sóng tạo nên những bãi cát đẹp phục vụ nhu cầu phát triển du lịch biển. Đồng thời vẻ đẹp của rạn san hô hấp dẫn du khách đến tham quan khám phá đời sống sinh vật biển. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nên bà con nhận thức được việc bảo vệ rạn san hô chính là bảo vệ cuộc sống bền vững cho con cháu làng biển Mỹ Hiệp.

Anh Hùng cho biết san hô ở vùng biển xã Thanh Hải được sinh trưởng trong điều kiện thiên nhiên tốt, mật độ sống cao. Riêng vùng biển Hòn Đỏ có 42 giống san hô thuộc 17 họ tạo môi trường sinh thái lý tưởng cho 92 loài hải sản quý đến trú ngụ, sinh sản. Bãi rạn san hô Hòn Đỏ rộng hàng trăm mẫu tây thuộc diện cấm khai thác. Trong đó có nửa cây số mặt nước thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt. Khi có tàu thuyền lại gần, anh em dùng cờ ra hiệu cấm vào neo đậu. Mọi sự tác động vào bãi rạn đều gây thiệt hại cho sự sống của san hô. Nhờ giữ được rạn san hô nên con tôm hùm giống, ốc tù và, hải sâm về trú ngụ đông đúc. Đời sống ngư dân làng biển Mỹ Hiệp ngày càng no ấm nhờ vào nguồn lợi khai thác hải sản kết hợp trồng cây hành tỏi. Tổ bảo vệ rạn san hô thôn Mỹ Hiệp và anh Diệp Nghĩa Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích mô hình mới, nhân tố mới tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước năm 2012.

Rừng dương khu vực Hòn Đỏ bị người dân chặt phá làm củi. (Ảnh chụp sáng 29-7-2017).

Anh Diệp Nghĩa Hùng nhiệt tình dẫn đường đưa chúng tôi đến Trạm bảo vệ san hô Hòn Đỏ. Anh lấy làm tiếc là đến cuối năm 2013, Dự án mạng lưới hành động rạn san hô toàn cầu hoàn tất chương trình nên Tổ bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ cũng ngừng hoạt động cho đến nay. Rừng dương khu vực Hòn Đỏ rộng trên 20 ha đang bị người dân chặt làm củi. Khi Tổ bảo vệ san hô còn hoạt động gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng dương nên không bị chặt phá. Trước đây, mỗi thành viên Tổ bảo vệ chi được trợ cấp mỗi tháng 200 ngàn đồng cho anh em trà nước, mua dầu đèn thắp sáng tại trạm. Số tiền hỗ trợ tuy ít ỏi nhưng đã gắn kết trách nhiệm các thành viên tích cực tham gia hoạt động bảo vệ tài nguyên biển.

Anh Diệp Nghĩa Hùng mong muốn Sở NN&PTNT xem xét khôi phục hoạt động của Tổ bảo vệ san hô Hòn Đỏ gắn với công tác tuần tra bảo vệ rừng dương đang bị người dân địa phương chặt phá nghiêm trọng.