Khoảnh khắc và Sự kiện 29-7

1. Trong nước

* Ngày 29-7-1999: Hà Nội đón nhận “Giải thưởng UNESCO - thành phố vì hoà bình”.

Hà Nội là 1 trong 5 thành phố trên thế giới đại diện cho 5 châu lục được Tổ chức giáo dục, khoa học kỹ thuật và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao giải thưởng này. 

Đây là danh hiệu được bạn bè quốc tế tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của Hà Nội trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng thành phố. Cùng với danh hiệu này, Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn của các du khách nước ngoài bởi vẻ đẹp cổ kính sẵn có và cũng là điểm thu hút vốn đầu tư với các tổ chức, công ty nước ngoài. 

Hà Nội đã và đang phấn đấu để trở thành một thành phố hiện đại, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại của cả nước; xứng đáng là thành phố vì Hòa Bình. 

* Ngày 29-7-2015: Lễ khánh thành Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Bến Lức, Long An. Được khởi công từ tháng 7-2010, công trình có diện tích hơn 1 ha, tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 78 tỷ đồng. Khu lưu niệm là một tổng thể công trình với nhiều hạng mục như: khu tái hiện nhà ở lúc sinh thời của Luật sư, công viên, cây xanh, thảm cỏ… trong đó hai hạng mục quan trọng nhất là Nhà tưởng niệm và Nhà trưng bày - Thư viện giới thiệu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Tại buổi lễ khánh thành, lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10-7-1910 tại Long An. Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng về đạo đức và nhân cách cách mạng.

2. Thế giới

* Ngày 29-7-1948: Khai mạc thế vận hội đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, Ủy ban Olympic quốc tế đã nhóm họp và thông qua quyết định trao cho Anh quyền tổ chức Thế vận hội, vốn bị hoãn lại từ năm 1944 do hoàn cảnh chiến tranh. 

Thế vận hội được khai mạc tại sân vận động Wembley ở thủ đô London. 58 nước tham dự đã cử 4.014 vận động viên thi đấu ở 17 bộ môn. Kết quả, đoàn Mỹ đứng đầu với thành tích 38 HCV, 27 HCB và 17 HCĐ. Mặc dù công tác tổ chức đạt đến trình độ cao, nhưng thế vận hội lần đó không xác lập được một kỷ lục Olympic nào.

* Ngày 29-7-1957: Thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA).

Đến ngày 1-10-1958, NASA chính thức đi vào hoạt động, với nhiệm vụ thực thi chương trình thám hiểm không gian và nghiên cứu hoạt động hàng không. Chỉ vài tháng sau, NASA đã triển khai các sứ mệnh không gian và phóng vệ tinh đầu tiên Explorer 1 vào vũ trụ.

Các chuyến bay vào vũ trụ có người lái là một thành tựu lớn của NASA, trong đó Chương trình Apollo những năm 1960 đánh dấu việc con người du hành ngoài Trái Đất. Đặc biệt, tàu Apollo 11 đã thực hiện cuộc đổ bộ đầu tiên của loài người lên Mặt Trăng.

Năm 2004, Tổng thống Mỹ George Bush đã công bố kế hoạch cho tương lai NASA có tên “Tầm nhìn thám hiểm không gian”. Theo đó, Mỹ sẽ trở lại Mặt Trăng trước năm 2020, lập căn cứ cho các chuyến thám hiểm tương lai và dọn đường đưa con người lên Sao Hỏa. 

* Ngày 29-7-1987: Anh và Pháp ký hiệp ước cho phép xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche.

Đường hầm có chiều dài 50,45 km, đi qua eo biển Manche nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía Bắc Pháp, gồm hai hầm đường sắt và một đường hầm dịch vụ. Tháng 12-1987, công trình được khởi công và ngày 6-5-1994, chính thức khánh thành.

Chạy xuyên qua hai nhánh chính của đường hầm là những chiếc tàu điện hai tầng với chiều ngang thân tàu 4,2m và tốc độ lên tới 300km/h.

Công trình này được coi là đỉnh cao của kỹ thuật xây dựng, đưa con người xuyên qua lòng biển một cách dễ dàng và được đánh giá cao bởi những giá trị to lớn mà nó mang lại cho hai cường quốc Anh - Pháp cũng như châu Âu và thế giới.

Theo TTXVN