CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Văn hóa giao thông - cũ mà mới!

(NTO) Mới đây anh bạn vong niên của tôi “bị” tai nạn giao thông. Gọi là “bị” cho đỡ phần…bực bội - như anh nói- vì đang đi sát lề đường bằng chiếc xe đạp hiệu “Thống Nhất” cũ kỹ còn sót lại của thời bao cấp như vật kỷ niệm hơn là phương tiện thì bị chiếc xe đạp máy từ bên kia đường “bay” sang tông phải ngang hông làm anh đỗ nhào. Xe thì méo vành cong phuộc, còn người thì trầy xước, may là không bị chấn thương đầu cổ gì. Người gây tai nạn là một học sinh (chắc là THCS), thay vì hỏi han, nói lời xin lỗi…thì ngược lại “quát” ông bạn già của tôi vì cho là đi…không cẩn thận!. -Nghe có tức không chứ!. Ông bạn tôi ấm ức. Tôi nửa đùa nửa thật:- Thôi ông ơi, con cháu cả mà tức giận làm gì cho mệt, có khi xui xẻo cự cãi nó giở “hàng nóng” ra còn…xui hơn. Không biết chính xác đến bao nhiêu phần trăm nhưng chuyện học sinh ngay cả tiểu học tự “trang bị” dao bấm để gọi là “phòng thân” khá phổ biến như một số phụ huynh phản ảnh!.

Người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định an toàn giao thông đường sắt. Ảnh: Sơn Ngọc

Nêu ra câu chuyện của ông bạn tôi để thấy rằng ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông trong số đông những người trẻ xem ra rất thiếu vắng. Đúng ra chỉ cần một va chạm nhỏ thì người có lỗi chỉ cần nói lời hỏi thăm cũng cho người bị va chạm mát lòng, ngược lại cả hai phía đều có lời lẽ “nặng mùi” bạo lực. Vậy là “chuyện bé xé ra to”, thậm chí dẫn đến hậu quả nặng nề gây ra những tổn hại không đáng có. Đó là chưa nói đến ý thức của người tham gia giao thông. Những hình ảnh phản cảm như chạy xe vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng trên đường như chốn không người, đua xe…mà “bỏ qua” câu khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” được treo khắp các nẻo đường như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông, hãy chấp hành pháp luật giao thông để đem lại an toàn cho chính mình, cho gia đình mình và cho xã hội.

Thực tế, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày, từng giờ và có thể dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo hay chương trình thời sự hàng ngày. Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có báo cáo về tình hình tai nạn giao thông trong 7 tháng vừa qua (tính từ ngày 16-12-2016 đến 15-7-2017). Theo đó, cả nước xảy ra 11.172 vụ TNGT, làm chết 4.761 người, bị thương 9.236 người. Riêng trong tháng 7, cả nước xảy ra hơn 1.560 vụ TNGT, làm chết 627 người và làm bị thương hơn 1.300 người. Tuy có giảm so cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn vào con số trên cũng đã thấy rất đáng lo ngại về sự an toàn của mỗi người khi tham gia giao thông. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn…Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu vẫn là ý thức người tham gia giao thông còn quá kém. Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Văn hóa giao thông là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Để làm được điều này, cần phải bỏ các hành vi như vượt đèn đỏ, dừng đỗ xe không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, đi ngược chiều… Những hành vi trên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh. Bên cạnh đó, người tham gia giao thông cần có tính cộng đồng, nhất là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông…

Có ý kiến cho rằng, mỗi cử chỉ “Văn hóa giao thông” làm nên nét nhân cách của mỗi con người. Tuy nhiên, để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông.