Người bệnh binh chế tác khèn bầu

(NTO) Theo giới thiệu của Nghệ nhân ưu tú Mai Thấm, ông Kator Rang là nghệ nhân duy nhất hiện nay ở xã Phước Thắng (Bác Ái) biết chế tác khèn bầu. Những chiếc khèn do ông Rang chế tác “có hồn có vía” khi thổi lên làm quyến rũ lòng người.

Chúng tôi tìm đến thăm gia đình nghệ nhân Kator Rang ở cuối thôn Ma Oai. Trao đổi với người nghệ nhân cao tuổi, chúng tôi được biết thời trai trẻ ông gia nhập bộ đội Cụ Hồ tham gia đánh Mỹ trên vùng chiến khu Bác Ái. Ông cùng đồng đội đơn vị C2 thuộc Huyện đội Bác Ái Tây anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công hiển hách trên vùng đất Bác Ái anh hùng. Ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba do có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, Hội Cựu chiến binh tặng tám chữ vàng danh dự “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội”. Khi đất nước thanh bình, ông phục viên trở về làng sớm hôm chăm lo làm rẫy nuôi con. Sống giữa nương rẫy mênh mông, ông da diết nhớ tiếng khèn bầu đồng vọng giữa rừng núi đại ngàn thời niên thiếu. Ông mày mò nghiên cứu chế tác và theo các già làng học biểu diễn khèn bầu, tiếng Raglai gọi là Cà bốt Cà tó.

Bệnh binh Kator Rang chế tác, biểu diễn khèn bầu ở xã Phước Thắng, Bác Ái .

Nghệ nhân Kator Rang dày công tìm những trái bầu già tròn đều dài khoảng 35 cm phơi trong bóng râm mát cho thật khô. Ông dùng chiếc mác nhọn khoét thân bầu lắp hai hàng ống trúc đường kính 1 cm, dài 50- 80 cm, hàng trên kề miệng thổi lắp 4 ống, hàng dưới lắp 2 ống. Trong mỗi ống trúc được khoét lỗ nhỏ và lắp một lá đồng dài 2 cm định âm trầm bổng, cao thấp. Theo ông, mài lá đồng là công đoạn quan trọng và tốn nhiều công nhất của việc chế tác khèn bầu. Tìm vỏ đạn đồng đem về cưa ra rồi mài cho thật mỏng, thật đều vừa với từng ống trúc. Để có được 6 miếng đồng, nghệ nhân mất 3 ngày ròng rã mài dũa bằng tay. Tiếng khèn có ở lại với bụng dạ người nghe hay không là nhờ vào chất lượng của những chiếc lá đồng. Ông dùng sáp ong dú bịt kín phần khoét giữa thân bầu để hơi truyền qua ống trúc làm rung lá đồng phát ra âm thanh. Để hoàn thành một chiếc khèn bầu, nghệ nhân Kator Rang phải mất gần mười ngày tỉ mỉ lắp đặt, cân chỉnh âm thanh. Nghệ nhân biểu diễn khèn bầu có hồn, có vía gắn kết tình cảm thân thiết của bà con thôn xóm vào những dịp mừng mùa lúa mới, lễ hội, cưới hỏi, bỏ mả, bạn bè đến nhà thăm chơi. Khèn bầu có thể độc tấu hoặc biểu diễn hòa chung “lời ăn tiếng nói” với mã la, tù và, chapi làm nên âm vang núi rừng đặc sắc quyến rũ lòng người. Nghệ nhân Kator Rang đi qua hơn bảy mười mùa rẫy, hơi thổi không còn căng đầy như thời trai trẻ nhưng tiếng khèn bầu của ông vẫn ấm áp, dào dạt tình yêu thương. Hàng chục chiếc khèn bầu do ông chế tác được bà con chuyền tay nhau biểu diễn trên khắp các bản làng. Điều trăn trở của nghệ nhân Kator Rang hiện nay là ông mong tìm được các cháu thanh niên đam mê nhạc cụ dân tộc để truyền nghề chế tác khèn bầu, lưu giữ truyền thống văn hóa đồng bào Raglai địa phương.

“Tôi được hưởng chế độ bệnh binh mất sức 61%, với mức phụ cấp 2,5 triệu đồng/tháng bảo đảm cuộc sống hàng ngày cho hai vợ chồng. Ngoài ra, tôi còn gởi các cháu nuôi thêm vài ba con bò làm vốn để dành cho những việc quan trọng của gia đình. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương quan tâm chăm lo nâng cao đời sống người có công với nước. Còn sức khỏe là tôi còn chế tác và biểu diễn khèn bầu góp phần gìn giữ nhạc cụ truyền thống của cha ông”, bệnh binh Kator Rang bộc bạch niềm vui trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.