Thế giới trong tuần

1. Trong tuần, một trong những sự kiện gây nhiều chú ý của dư luận đó là Anh tuyên bố luôn sát cánh với Nhật Bản để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson (Bô-rít Giôn-xơn) ngày 21-7 cho biết nước này luôn sát cánh với Nhật Bản trong các nỗ lực kiềm chế chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida (Phư-mi-ô Ki-si-đa) tại Tokyo, Ngoại trưởng Johnson nhấn mạnh: “Anh luôn sát cánh cùng Nhật Bản, kiên trì theo đuổi quyết tâm ngăn chặn Triều Tiên liên tục vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ)”. Ông Johnson cho rằng cần gia tăng sức ép lên Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao cũng như áp đặt trừng phạt, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán với các cường quốc trên thế giới. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Kishida nhận định trật tự thế giới dựa trên luật pháp đang đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó có chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ông cho biết Anh và Nhật Bản nhất trí sẽ thể hiện vai trò đầu tàu trong nỗ lực duy trì một cộng đồng quốc tế cởi mở và tự do. 

2. Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên nhận lời đối thoại. Theo đó, ngày 21-7 Bộ Quốc phòng nước này đã hối thúc Triều Tiên chấp nhận đề nghị của Seoul tiến hành đàm phán quân sự liên Triều nhằm giảm tình trạng căng thẳng dọc tuyến biên giới hai miền, trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn chưa có hồi đáp chính thức về đề nghị này. 

Trước đó, ngày 17-7,  Hàn Quốc đưa ra đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán quân sự liên Triều vào ngày 21-7, cũng như đàm phán hội Chữ thập Đỏ hai bên vào ngày 1-8 để nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh. Đây được xem là những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê-in) nhằm cải thiện quan hệ liên Triều. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa có bất cứ hồi đáp nào đối với đề nghị này. 

Trong tuyên bố ngày 21-7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ cho đến nay phía Triều Tiên chưa đưa ra lập trường về đề nghị trên, do đó khó có thể tiến hành đàm phán trong ngày hôm nay. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc một lần nữa kêu gọi Triều Tiên sớm có phản hồi tích cực đối với đề nghị của Seoul. Tuyên bố nhấn mạnh vấn đế cấp bách hiện nay là giảm căng thẳng quân sự và khôi phục một kênh thông tin liên lạc quân sự giữa hai miền Triều Tiên vì ổn định và hòa bình trên bán đảo ở Đông Bắc Á này. 

Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết Seoul không có kế hoạch đưa ra thêm đề nghị đối thoại nữa trong bối cảnh phía Triều Tiên vẫn im lặng.

3. Vấn đề Brexit: Thủ tướng Anh trấn an giới doanh nghiệp. Theo đó, ngày 20-7, Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa May) nỗ lực trấn an những quan ngại của giới doanh nghiệp nước này về tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa London và EU đang diễn biến căng thẳng.

Theo một người phát ngôn thủ tướng, trong một cuộc họp với giới lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp và các giám đốc doanh nghiệp, bà May đã tái khẳng định rằng mục tiêu chủ chốt của chính phủ là đảm bảo một Brexit “suôn sẻ và có trật tự” để đi đến một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với EU, trong đó bảo đảm một giai đoạn chuyển giao có trật tự để tránh tối đa các tình huống rủi ro. Thủ tướng May hoan nghênh những đóng góp giá trị từ giới doanh nghiệp thông qua các cuộc trao đổi ở nhiều cấp chính phủ trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh cần thiết tăng cường các đối thoại này trong thời gian tới. Trong khi đó, Phòng Thương mại Anh (BCC), một tổ chức quy tụ các doanh nghiệp Anh, kêu gọi chính phủ duy trì đối thoại “liên tục và có tổ chức” với giới doanh nghiệp về vấn đề Brexit và tránh một kịch bản “chia tay” đột ngột…