Cần có nhiều cửa hàng nông sản sạch

(NTO) Chỉ đến khi mua thịt heo của Cửa hàng thực phẩm sạch Phước Trang tại số 297F, đường 21 Tháng 8, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm người tiêu dùng mới biết lâu nay đã mất số tiền “vô lý”. Giá thịt heo tại cửa hàng thấp hơn sản phẩm cùng loại bán ngoài chợ từ 20 đến 30 ngàn đồng/kg đã minh chứng lời ca thán của người tiêu dùng về sự chênh lệch quá lớn của sản phẩm nông nghiệp từ “đồng ruộng đến người tiêu dùng” là đúng.

Giới buôn bán làm sao không giàu lên khi trước đây mua heo hơi tại chuồng 45.000 đồng/kg, xẻ ra bán thịt nạc 80.000 đồng/kg, đến khi mua giảm xuống còn 18.000-20.000 đồng/kg, giá thịt đến tay người tiêu dùng vẫn không thay đổi.

Xây dựng mạng lưới cửa hàng bán lẻ sẽ góp phần tháo gỡ “nút thắt”
cho đầu ra hàng nông sản sạch.

Việc “tắc nghẽn” ở khâu phân phối làm cho hộ sản xuất và người tiêu dùng thiệt thòi đã đành, nguy hại hơn là kìm hãm sự phát triển. Câu chuyện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận đưa ra sáng kiến mở chuỗi cửa hàng thực phẩm để “giải cứu” ngành chăn nuôi cho thấy, nếu đầu ra hàng nông sản chỉ phụ thuộc vào một kênh phân phối duy nhất, lẽ đương nhiên sẽ bị ép giá. Thực tế hoạt động của Cửa hàng thực phẩm sạch rất hiệu quả, có tác dụng kích cầu tiêu thụ thịt heo theo chủ trương của Bộ Công Thương, hướng đến đảm bảo lợi ích hài hòa giữa hộ chăn nuôi, người bán lẻ và người tiêu dùng trong tỉnh. Đến nay, giá heo hơi đã tăng (trên 40.000 đồng/kg), giá thịt bán ở cửa hàng có nhích lên, nhưng vẫn thấp hơn ngoài chợ.

Cuộc “giải cứu” ngành chăn nuôi heo coi như đã thành công, nhưng vẫn còn nhiều mặt hàng nông sản đang bị “tắc” ở khâu phân phối, cần có thêm những cửa hàng tương tự. Rau, nho, táo, nha đam, măng tây xanh… sản xuất theo quy trình VietGAP, nông dân đầu tư nhiều công sức để đạt chất lượng cao, nhưng thương lái mua với giá thấp là vấn đề bức bối lâu nay, chưa giải quyết được một cách căn cơ. Nếu tình trạng kéo dài, thì mục đích hướng tới nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng nông sản của đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp còn xa tầm với.

Xã An Hải (Ninh Phước) là địa phương tiên phong trong thực hiện Chương trình trồng rau an toàn, hiện nay mỗi ngày sản xuất được khoảng 10 tấn rau, củ, quả các loại, nhưng Siêu thị Co.opMart Thanh Hà chỉ mua chừng 200 kg, phần lớn còn lại thương lái thu với giá ngang bằng rau sản xuất thông thường, khiến cho hộ trồng chịu nhiều thua thiệt. Thực tế này cho thấy, nếu chỉ nhìn vào siêu thị thôi, thì không cách gì tiêu thụ hết hàng nông sản sạch, mà phải mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Thông tin Ban Phát triển sản phẩm đặc thù tỉnh đang xúc tiến Hỗ trợ Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín, Công ty TNHH Yến sào Ninh Thuận xây dựng điểm kinh doanh và giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thể xem là tín hiệu đáng mừng, vì sẽ góp phần tháo gỡ “nút thắt” cho đầu ra của hàng nông sản.