Khoảnh khắc và Sự kiện 15-7

1. Trong nước

* Ngày 15-7-1950: Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong. Cách đây 67 năm, tại chiến khu Việt Bắc, đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của các thế hệ Thanh niên xung phong sau này.

Nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn và thực hiện lời Bác dạy, trên 35 vạn các thế hệ Thanh niên xung phong đã tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước, xây dựng bảo vệ tổ quốc, luôn có mặt ở những nơi gian khổ ác liệt nhất. 

Sau khi hòa bình lập lại, hàng nghìn Thanh niên xung phong gương mẫu đi đầu thành đạt trên các lĩnh vực, trở thành những cán bộ nòng cốt, những công dân gương mẫu.

* Ngày 15-7-1960: Bác Hồ dự kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa II diễn ra từ ngày 7 đến 15-7-1960.

Tại kỳ họp, Bác Hồ được toàn thể Quốc hội tín nhiệm tái giữ chức Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước là cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội: ông Trường Chinh và Thủ tướng Chính phủ: ông Phạm Văn Đồng.

Trong lời phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải: thực hành cần, kiệm, liêm, chín; chí công, vô tư. Gương mẫu về mọi mặt: đoàn kết, công tác, học tập, lao động. Luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”.

2. Thế giới

* Ngày 15-7-1783: Phát minh tàu thủy đầu tiên chạy bằng động cơ hơi nước. Năm 1783, một người Pháp tên là Claude Jouffroy d’Abbans đã chế tạo thành công chiếc tàu thủy đầu tiên chạy bằng động cơ hơi nước với tên gọi Pyroscaphe và cho chạy thử trên sông Saône.

Trong lần thử nghiệm năm 1783, hàng ngàn người đã đi thử trên con tàu Pyroscaphe và chuyến đi kéo dài 15 phút này đã bắt đầu làm thay đổi ngành chế tạo tàu thủy.

Trước đó vào năm 1778, Jouffroy đã tiến hành thử nghiệm mô hình tàu thủy động cơ hơi nước đầu tiên của mình, mô phỏng theo cấu tạo chân đạp có mang của loài ngỗng và thiên nga. Tuy nhiên ông đã thất bại.

Sau đó, Jouffroy bắt đầu xây dựng lại chiếc tàu thủy của mình dựa trên ý tưởng của James Watt. Theo đó một động cơ hơi nước sẽ được dẫn động để làm quay hai bánh xe được gắn vào hai bên thân tàu. 

* Ngày 15-7-1795: Bài hát “La Marseillaise” được chính thức công nhận là quốc ca của Pháp.Bài hát do Claude Joseph Rouget de Lisle sáng tác năm 1792 sau khi Hoàng đế Áo tuyên chiến với Pháp. 

Ban đầu, bài hát được đặt tên là “Hành khúc quân sông Ranh” với hàm ý các chiến sĩ Pháp sẽ giáp trận tại sông Ranh và đuổi quân xâm lăng ra khỏi nước Pháp. Bài hát đã nhanh chóng được phổ biến và trở thành hành khúc của những người lính Pháp.

Đoàn quân tình nguyện của thành phố Marseille kéo về bảo vệ thủ đô Pari năm 1792 đã hát bài ca cách mạng này trên đường phố Pari trước tiên, vì thế bài hát được gọi là La Marseille (“Bài ca của người Marseille”). 

La Marseille không chỉ là bản quốc ca hùng tráng, mà còn là một bài ca cách mạng được nhiều nhà soạn nhạc cổ điển khai thác sử dụng.

* Ngày 15-7-1975: Cái “bắt tay vũ trụ” giữa hai siêu cường. Tháng 7-1975, Liên Xô và Mỹ hợp tác tiến hành Dự án Thử nghiệm Apollo-Soyuz (Liên hợp).

Mục tiêu của dự án là tiến hành kết nối trên không gian giữa 1 tàu vũ trụ Apollo của Mỹ và 1 tàu vũ trụ Soyuz của Liên Xô.

Ngày 15-7-1975, các tàu Soyuz và Apollo lần lượt được phóng lên quỹ đạo cách nhau 7 tiếng rưỡi. 

Ngày 17-7, hai tàu đã tiến hành kết nối thành công trên quỹ đạo. Phi hành đoàn 2 bên đã sang thăm phi thuyền của nhau, trao đổi cờ và quà... Sau 44 giờ kết nối, hai phi thuyền tách khỏi nhau. 

Đây được coi là một thành công lớn về cả mặt kỹ thuật và quan hệ quốc tế, là tiền đề cho các hợp tác trong tương lai như: giai đoạn hợp tác sử dụng trạm Mir (Hòa bình), xây dựng và sử dụng trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đây cũng là chuyến bay cuối cùng vào không gian của các tàu Apollo, sau đó Mỹ chuyển sang sử dụng các tàu con thoi. 

Theo TTXVN