H. 50 sống mãi với thời gian

(NTO) Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã đi qua hơn 40 năm nhưng âm vang hào hùng vẫn còn vọng đến tận bây giờ và mãi mãi về sau. Bởi xưa nay chưa có một thời đại nào sôi động bão táp cách mạng như thời chống Mỹ của nhân dân ta. Thời chống Mỹ là chặng đường lịch sử, bất khuất kiên cường của những con người giàu phẩm chất cách mạng, mang trong mình tâm thế của một dân tộc anh hùng, tiếp nối truyền thống của cha ông đánh giặc giữ nước, đứng lên chống lại thế lực xâm lược mạnh nhất của thời đại.

Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, tiền tuyến hay hậu phương, ở đâu cũng hừng hực lửa chiến tranh, có bao điều kỳ diệu, chất chứa những cung bậc cảm xúc… Đoàn vận tải H.50 là dấu ấn về một nẻo đường chiến tranh trên chiến trường cực Nam Trung Bộ.

Đơn vị vận tải H50 tải đạn phục vụ chiến trường. Ảnh: T.L

Trước thất bại chiến tranh đặc biệt, để cứu nguy quân Ngụy Sài Gòn, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Chúng dùng sức mạnh tổng lực càn quét đánh phá cách mạng hòng giành lại thế trận trên chiến trường. Nhằm đảm bảo vũ khí đạn dược ngày càng tăng cho bộ đội chiến đấu, quân khu ủy khu 6 quyết định thành lập Đoàn H.50 vào tháng 4-1967 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng chiến lược, trước mắt phục vụ cuộc tổng tấn công năm Mậu Thân 1968 và lâu dài cho chiến trường Nam Tây Nguyên và các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy.

Tuyến đường vận tải dài trên 350 cây số từ đất bạn Campuchia xa xôi đến các tỉnh Khu 6, vượt qua nhiều đèo dốc, sông suối hiểm trở. Mùa nắng thiếu nước, mùa mưa nước chảy như thác đổ: sông Bé, sông Đồng Nai, Đa Ke, Đặc Lấp, Đa Oai, Đồng Nai Thượng, Tà Bao, Tà Là Ngào, Tà Mỹ... Bà Rá–Phước Long vùng rừng thiên, nước độc gây ra những cơn sốt rét rừng bào mòn sức lực và tuổi xuân.

Thiên nhiên khắc nghiệt là vậy. Còn kẻ thù ngày đêm đổ xuống tuyến đường không biết bao nhiêu bom đạn, chất độc khai hoang. Trên trời máy bay quần đảo dòm ngó, rình rập những trảng trống, bến sông, cầu, bè, phát hiện có người là ùa tới như bầy “hổ đói” thi nhau nhả bom, nhả đạn. Dưới đất nào sân bay Bù Na, Bù Gia Mạp, sư đoàn Kỵ Binh bay của Mỹ, biệt kích Đại Hàn, biệt kích Trường Sơn. Đường 14, đường 20 chúng phục kích gài mìn ngăn những chuyến hàng qua đêm. Có những cung đường chúng chà đi, xát lại, công sự mới chồng lên công sự cũ, gài máy dò tiếng động để rồi dội đến những trận pháo thình lình. Vào những năm 1970, 1971, 1972 không ngày nào vắng tiếng bom đạn Mỹ, tưởng chừng không trụ nổi. Các đơn vị bạn chuyển sang biên giới đất bạn, còn lại H.50 bám trụ, len lỏi, luồn lách địch đưa từng viên đạn, khẩu súng về chiến trường nên có câu ca “Đất T 10–Người T.6”. Những chiến sĩ C4, C5, C.8, C.7, C.6 không thể nào quên những trận bừa của máy bay B.52, chúng đánh cả ngày lẫn đêm ở đồi 85, đường Píc Bù Gia Mập, sông Đa Quýt, Cầu Đôi biên giới Campuchia-Việt Nam, một số anh chị em hy sinh đến nay chưa tìm được hài cốt. Kẻ thù làm bằng mọi cách, mọi giá để ngăn chặn những chuyến hàng về phía trước.

Cựu cán bộ, chiến sĩ Đoàn Vận tải H50 thăm Bia mộ đồng đội.Ảnh: Phan Hiếu

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự vây ráp của kẻ thù không làm nhụt chí những chiến sỹ Đoàn H.50. Họ đi không tính ngày, tính tháng, đi trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, đi trong lúc đang bệnh tật, đói cơm lạt muối. Ăn những vắt cơm dính chất độc khai hoang từ máy bay của địch rải xuống bất ngờ trong lúc đang dùng cơm trưa. Không thể không ăn những chén cơm nhiễm chất độc CS do quân Mỹ trộn vào kho gạo bằng hình thức đánh mìn. Ăn để mà đi tiếp, không khác nào ăn mầm chết để sống. Quân trang có lúc thiếu đến mức người ta thêu dệt “Chị em H.50 phải dùng lá rừng để che thân”. Tuy không có thật nhưng đó là lời “thông điệp”…

Việc mang vác vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu bằng sức người suốt tám năm ròng rã, ngày này qua ngày khác gùi trên vai 40, 50 kg hàng sắt thép của những cô gái H.50 quả là một kỳ tích. Không những thế, có thời điểm các chị đã làm nên những điều như không thể: Vác nguyên thân súng Sơn pháo 75 trọng lượng gần gấp đôi cơ thể mình vượt sông, đi trong đêm giá lạnh; lưng là bệ phóng đôi tên lửa ĐKB, hỏa tiễn H.12 loại vũ khí hiện đại lúc bấy giờ.

350 cây số là không gian cố định. Thực ra “Đường H.50” là con đường dài theo mùa chiến dịch. Lúc về Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, lúc qua Lâm Đồng, lúc ngược dòng Đồng Nai Thượng đến Tuyên Đức ở đâu cũng đèo dốc, sông suối hiểm nguy. Có thể nói những chiến sỹ H.50 ngày ấy đã đi khắp chiến trường cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.

Trong cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù không tránh khỏi sự hy sinh mất mát. Kết thúc chiến tranh, H.50 có gần 130 anh chị em hy sinh. Người may mắn còn sống trở về, mang trong mình những di chứng chiến tranh. Nhiều chị em dang dở tuổi xuân lại tiếp tục lao vào chặng đường mới xây dựng đất nước.

Trong dòng chảy lịch sử cách mạng ở chiến trường cực Nam Trung Bộ trong giai đoạn chống Mỹ từ 1967-1975, đoàn vận tải H.50 đã góp phần không nhỏ vào những chiến công oanh liệt của quân và dân Khu 6. Do vậy, hầu hết các báo cáo tổng kết chiến tranh ở cực Nam Trung Bộ đều nói về Đoàn H.50 như: Lịch sử cách mạng Khu 5, Khu 6, Phụ nữ Khu 6, Phụ nữ Bình Thuận; LLVT-Hậu cần KT Bình Thuận, TK cuộc chiến tranh chống Mỹ tỉnh Thuận Hải… có chung nội dung: “…Anh chị em đã vượt qua muôn ngàn gian khổ, chịu đựng nhiều thiếu thốn, tưởng chừng sức người không chịu nổi, suốt ngày này, qua ngày khác, lội suối, vượt đèo vượt dốc, băng rừng, vượt qua bom đạn của kẻ thù. Vượt qua đói rét bệnh tật, vượt lên mọi suy tư cá nhân. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khẩu hiệu “Vai trăm cân chân ngàn dặm”. Những chiến sỹ chân đồng vai sắt ấy đã gùi thồ hàng ngàn tấn đạn dược, lương thực, thuốc men đi khắp chiến trường Khu 6 phục vụ kịp thời chiến đấu…” và nhiều tập hồi ký của các anh nguyên là lãnh đạo cấp cao của Khu 6 lúc bấy giờ .

Nói về sự bền bỉ, dẻo dai chịu đựng gian khổ, ác liệt, tác giả Chu Gia Huy với bài “Ký ức về Đoàn H.50” đăng trên Báo Ninh Thuận viết “…Qua 8 năm bằng đôi vai cõng hàng nặng hơn trọng lượng bản thân; vượt đèo, lội suối, nhịn đói, nhịn khát, đi dưới mưa bom bão đạn, họ đi suốt năm suốt tháng cho đến khi kết thúc cuộc chiến, họ đi còn hơn nhà thám hiểm Magellan ngày trước, vượt trên 40 ngàn cây số (vòng trái đất). Họ là những nhà vô địch của thế kỷ XX…”.

Những nhà văn, nghệ sỹ cùng đồng cảm, sẻ chia những gian khổ nhọc nhằn, những đau thương mất mát và những chiến công thầm lặng của người làm nhiệm vụ phía sau bằng ngôn ngữ riêng của mình: Trường ca “Sông núi trên vai” của Anh Ngọc được dựng thành phim; Nhà thơ Đỗ Quang Vinh với Trường ca “Năm tháng ấy chiến trường này”. Có hơn 20 bài ca, bài thơ và sách viết về H.50. Nhiều bài báo đăng trên báo Trung ương và địa phương. Phóng sự Đài THVN, Đài PT-TH Ninh Thuận, Bình Thuận như thể hoài niệm của một thời.

Chiến tranh đã lùi xa, kỷ niệm xưa còn đó. Ngày trước, mỗi lần đánh trận trở về hàng quân ngắn lại. Còn bây giờ do thời gian, tuổi tác, bệnh tật cứ mỗi lần tổ chức gặp mặt lại vắng mấy người. Đến lúc nào đó sẽ không còn ai trong tổ chức này. Nhưng hình ảnh và những câu chuyện xưa của người vận tải trên chiến trường Khu 6 ngày ấy sẽ lấp lánh, vang vọng như một huyền thoại in sâu trong lịch sử để rồi còn mãi với thời gian.