NHÌN LẠI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017:

Ngành Nông nghiệp có nhiều khởi sắc

(NTO) Đối với trồng trọt, dấu hiệu đáng mừng là diện tích cây ăn quả mở rộng, tính đến thời điểm hiện nay cây nho đạt 1.272 ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ; trong đó trồng mới 131 ha, số diện tích còn lại đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 26.000 tấn/năm; cây táo 952 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ.

Kết quả này minh chứng sản xuất nông nghiệp đang phát triển đúng định hướng của tỉnh đó là không mở rộng thêm diện tích lúa, tập trung nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao nhằm tăng nguồn thu cho nông dân.

Lĩnh vực khai thác thủy sản đã thể hiện được vai trò ngành sản xuất chính, đóng góp vào giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Ở vụ cá Bấc và cá Nam, ngư trường đều khá thuận lợi, trên các vùng biển miền Trung xuất hiện nhiều đàn cá nổi (cá cơm, cá nục, cá trác, mực) với trữ lượng lớn nên có trên 90% tàu thuyền tham gia khai thác đều đạt sản lượng cao, nhất là các tàu làm nghề pha xúc, nghề vây và lưới cước. Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác ước đạt 43.763 tấn, tăng 31,6% so với cùng kỳ. Ngoài yếu tố “thiên thời” giúp sản lượng khai thác thủy sản tăng, cần ghi nhận việc thực hiện tốt chính sách phát triển thủy sản của ngành chức năng, các địa phương đã giúp ngư dân chủ động ra khơi đánh bắt đạt sản lượng cao.

Ngư dân Ninh Chử (Khánh Hải) chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi. Ảnh: V.M

Thành tích đáng kể từ những nỗ lực trên là ngành Nông nghiệp đẩy mạnh Chương trình khai thác hải sản xa bờ, qua đó đã vận động được 67 phương tiện hoạt động từ vùng lộng ra biển khơi, với nghề câu, rê và vây rút chì. Việc thực hiện có hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo điều kiện cho ngư dân đóng phương tiện đánh bắt mới, qua đó năng lực tàu thuyền được nâng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt 4 dự án đóng tàu mới, với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Tính đến nay, sau 2 năm thực hiện Nghị định 67 đã có 25 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, 8 dự án trong giai đoạn thi công, với tổng kinh phí giải ngân 6.024 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng có những bứt phá đúng theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Trong 6 tháng, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 549 ha; trong đó, tôm sú 64 ha, tăng gần 83%; tôm thẻ chân trắng 485 ha, tăng 48,5% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 1.578 tấn. Diện tích nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác như rong sụn, cá, tôm hùm, ốc hương… cũng tăng so với cùng kỳ.

Nhìn lại hoạt động sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm để thấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với cơ cấu lại ngành, từ đó hình thành nên cánh đồng lớn. Điểm nổi bật của mô hình cánh đồng lúa lớn tại xã Phước Hậu (Ninh Phước), cánh đồng mía lớn ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), Phước Thắng (Bác Ái) thực hiện trong vụ hè-thu 2017 là có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Trước đây, nông dân cũng đã hợp tác làm ăn với doanh nghiệp nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở khâu tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng “miệng” rất lỏng lẻo. Với mô hình cánh đồng lớn hiện nay, doanh nghiệp không những cam đoan tiêu thụ nông sản với giá ổn định mà còn đầu tư vốn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nông dân xã Xuân Hải (NInh Hải) chăm sóc lúa hè - thu.Ảnh: Thanh Long

Có thể nói, sau một thời gian sản xuất nông nghiệp cầm chừng do hạn hán, thì hiện nay đã có bứt phá mạnh mẽ, tuy vậy vẫn còn những khó khăn nhất định. Tình hình tồn đọng heo nuôi đang diễn ra là bài học để ngành Nông nghiệp, các địa phương xây dựng chiến lược phát triển theo hướng sản xuất những mặt hàng thị trường cần chứ không phải nông dân muốn. Hiện tại, ngành chức năng đã đề ra giải pháp tháo gỡ “nút thắt” cho đầu ra sản phẩm thịt heo bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp mở cửa hàng bán thực phẩm sạch, với giá thấp hơn từ 20-30% so với thị trường đã “cắt lỗ” cho hộ nuôi. Tuy vậy, về lâu dài cần thiết phải có giải pháp căn cơ hơn, hướng nông dân tập trung đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù, có lợi thế cạnh tranh.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Từ nay đến cuối năm 2017, bên cạnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sản xuất vụ hè-thu, vụ mùa, hướng dẫn khai thác nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, đơn vị tập trung rà soát, xác định các sản phẩm đặc thù làm cơ sở để đầu tư mở rộng quy mô đúng như định hướng hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh. Về thực hiện giải pháp mở rộng thị trường các mặt hàng nông sản, đơn vị tăng cường phối hợp với Sở Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại sâu rộng; đồng thời, tham mưu thực hiện chính sách hỗ trợ Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín, Công ty TNHH Yến sào Ninh Thuận xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm đặc thù của tỉnh.