VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Đừng để con sâu làm rầu nồi canh!

(NTO) Có thể nói, chất lượng con giống luôn là vấn đề “nóng” được người nuôi tôm đặc biệt quan tâm, bởi lẽ chất lượng gần như quyết định đến 50% sự thành bại của nghề nuôi này. Tuy nhiên, công tác kiểm tra và quản lý sản xuất, kinh doanh tôm giống vẫn còn nhiều bất cập. Mới đây, vào cuối tháng 6- 2017, các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu phát hiện, bắt giữ gần 4 triệu con tôm giống chưa qua kiểm dịch, nhập vào 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Đáng nói là số tôm nhập lậu này được vận chuyển trên 4 ô tô, trong đó có Ninh Thuận. Các chủ xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào về hóa đơn, chứng từ, chứng nhận kiểm dịch…về số tôm giống nói trên. Có thể nói, sự việc này đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng một số người cố tình trà trộn bán tôm giống kém chất lượng vì món lợi riêng, làm giảm uy tín thương hiệu tôm giống Ninh Thuận mà tỉnh ta và nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đã dày công xây dựng. Vấn đề đặt ra là vì sao tình trạng này chưa được ngăn chặn?.

Sản xuất tôm giống sạch ở Trại giống Hisenor (xã An Hải, Ninh Phước). Ảnh: Anh Tùng

Ninh Thuận được xem là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất cả nước, được thị trường đánh giá cao về  chất lượng con giống. Toàn tỉnh hiện có trên 470 cơ sở hoạt động sản xuất tôm giống, trong đó, có trên 272 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ và hơn 200 cơ sở sản xuất giống tôm sú. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay sản lượng giống thủy sản ước đạt trên 11 tỷ con, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tôm sú giống 2,8 tỷ con tăng 36%, tôm thẻ giống 8,12 tỷ con tăng 6,8%, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng từ thị trường các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, chính từ nhu cầu tiêu thụ tăng nên cũng là cơ hội cho một số “doanh nghiệp ma” hoạt động. Thực tế này đã được Đoàn Thanh tra Tổng cục Thủy sản về thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào đầu tháng 5-2017, qua đó đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 7 “cơ sở ma”, hay nói khác hơn là trên thực tế các cơ sở này không có địa điểm sản xuất tại Ninh Thuận. Đây là các trường hợp tư thương mua giống trôi nổi (có thể có nguồn gốc trong hoặc ngoài tỉnh Ninh Thuận), làm giả nhãn mác bao bì với tên gần giống các công ty, doanh nghiệp tại Ninh Thuận, qua mặt các cơ quan chức năng, trốn tránh kiểm dịch để đưa vào tiêu thụ tại thị trường các tỉnh. Đó là chưa nói đến tình trạng một số cơ sở có đăng ký hoạt sản xuất tôm giống nhưng… không hề sản xuất mà chủ yếu nhập nguồn tôm giống từ nhiều nơi (không rõ nguồn gốc) về rồi đóng bao, xuất bán cho người nuôi tôm. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại trên diện rộng trong thời gian qua...Theo cơ quan chức năng cho biết, có nhiều nguyên nhân như do tôm giống Ninh Thuận được thị trường đánh giá cao về chất lượng, việc chênh lệch giá bán tôm giống giữa Ninh Thuận và các tỉnh sản xuất tôm giống khác làm xuất hiện nhu cầu làm giả nhãn mác. Lực lượng thanh tra liên ngành mỏng, hoạt động không thường xuyên, chưa đủ sức ngăn chặn các hành vi vi phạm đối với lĩnh vực này. Việc thanh tra kiểm soát ngay tại cơ sở sản xuất gặp khó khăn vì không có quy định về kiểm dịch nội tỉnh, các cơ sở sản xuất lợi dụng kẽ hở pháp luật này để trốn tránh kiểm dịch. Cụ thể là khi kiểm tra phát hiện xuất tôm giống lên xe mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch thì cơ sở khai nhận chỉ vận chuyển trong tỉnh!. Mặt khác, quy định về kiểm soát con giống tại địa phương nơi tiếp nhận cho phép kiểm dịch đối với lô hàng vận chuyển từ tỉnh khác đến không có giấy chứng nhận kiểm dịch... Chính sự lỏng lẻo từ cơ chế quản lý đến xử lý đã nêu làm nhiều người nuôi tôm cả trong và ngoài tỉnh phải điêu đứng, chịu cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí không còn đủ vốn tái đầu tư sản xuất. Hậu quả này còn có phần của chính người nuôi, do giá tôm giống trôi nổi thường rẻ hơn, hoặc được người bán giống bán thiếu cho người nuôi đến khi thu hoạch mới thu hồi vốn, vì thế nhiều người vẫn mua tôm giống không rõ nguồn gốc về thả nuôi…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, vấn đề đặt ra là cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng tần suất thanh tra liên ngành, đột xuất để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các nội dung sai phạm trong sản xuất kinh doanh giống thủy sản và tôm giống nói riêng. Cùng với đó thông báo rộng rãi danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh theo định kỳ để người nuôi nhận biết, lựa chọn cơ sở uy tín. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh có tiêu thụ tôm giống của tỉnh để trao đổi thông tin quản lý, nắm bắt kịp thời các cở sở kinh doanh giống thủy sản có nhãn mác, bao bì đăng ký tại Ninh Thuận cung cấp tôm giống cho các tỉnh nhưng thực tế không có cơ sở tại Ninh Thuận, thực hiện các biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời hoạt động của các cơ sở này... Có như vậy mới mong “loại bỏ” những con sâu làm “rầu” nồi canh được.