Độc đáo ngày Tết Táo quân của người dân Việt Nam

Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân Việt Nam lại bận rộn làm Tết Táo quân. Ông Táo, còn được gọi là thổ công, là vị thần cai quản việc bếp núc trong mọi gia đình. Vào ngày này, ông vua bếp lên chầu trời để báo cáo việc bếp núc làm ăn của gia đình trong năm đó, nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công.

Cá chép vàng (loại 200g/con) giá 100 nghìn đồng/đôi. (Ảnh báo Dân trí)

Lễ cúng ông Công, ông Táo phải có cá chép vì người ta cho rằng ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần thổ công, thổ địa, thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích hai ông-một bà.

Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.

Truyền thuyết về Táo quân

Ở Việt Nam, truyền thuyết Táo quân được truyền khẩu nhiều đời rồi ghi chép lại. Tương truyền Trọng Cao có vợ là Thị Nhi sống với nhau đã lâu nhưng không có con nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao nóng giận đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.

Trọng Cao sau đó hết giận vợ, nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi, bèn đi tìm vợ. Trên đường đi, Trọng Cao tiêu hết tiền bạc rồi đành phải đi ăn xin kiếm sống.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi mời Trọng Cao vào nhà, hai người kể mọi chuyện cho nhau nghe và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Một lúc sau thì Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao nấp trong đống rơm ngoài vườn.

Phạm Lang không biết có người nấp trong đống rơm nên châm lửa đốt để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra và bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết cùng vợ.

Linh hồn của ba người được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa nên sắc phong cho làm Táo quân, gọi chung là Định phúc Táo quân, nhưng mỗi người giữ một công việc:

- Phạm Lang làm thổ công, trông coi việc bếp. Danh hiệu là Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân.

- Trọng Cao làm thổ địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu là Thổ địa long mạnh tôn thần.

- Thị Nhi làm thổ kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu là Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần.

Trong bếp ngày xưa, thường có ba ông đầu rau - tức là ba hòn đất nặn dùng để kê nồi đun bếp - tượng trưng cho hai ông một bà. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân làm lễ Táo quân, tế ông Công, ông Táo lên chầu trời... Đây được coi là ảnh hưởng của phong tục thờ thần lửa, một phong tục có từ lâu đời của nhiều dân tộc, tuy nhiên cách thể hiện ở mỗi nước khác nhau.

Lễ cúng Táo quân

Lễ cúng Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm bắt đầu của Tết Nguyên đán, chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới. Đến chiều 30 Tết, người dân lại chuẩn bị chu đáo để đón ông Công, ông Táo trở về trần gian tiếp tục làm nhiệm vụ.

Lễ vật cúng Táo quân gồm có ba chiếc mũ (hai mũ ông và một mũ bà). Mũ dành cho các Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Các mũ này được gắn các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ.

Để giản tiện, cũng có khi người dân chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia, tất cả đều bằng giấy bìa.

Màu sắc của mũ, áo hay hia thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Năm hành kim thì dùng màu vàng, năm hành mộc thì dùng màu trắng, năm hành thủy thì dùng màu xanh, năm hành hỏa thì dùng màu đỏ và năm hành thổ thì dùng màu đen.

Sau lễ cúng ông Táo, những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy, sẽ được đốt cùng với bài vị cũ. Nếu cúng cá chép sống thì cá sẽ được thả xuống ao, sông với ý nghĩa cá sẽ hóa rồng để ông Táo cưỡi lên chầu trời.

Bài vị ở bàn thờ thổ công thường ghi "Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân, Thổ địa long mạch tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần."

Với những gia đình có trẻ em, người dân còn cúng Táo quân một con gà luộc. Con gà này phải là loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng thượng đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Ở miền Bắc, người dân thường cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước để đưa ông Táo về trời. Người dân miền Trung lại cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam giản dị hơn, mọi người chỉ cúng ông Táo mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Tùy theo mỗi gia đình, ngoài các lễ vật chính, người ta có thể làm lễ mặn (xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...) hay lễ chay (trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn ông Táo.

Thờ cúng Táo quân là nét văn hóa có từ lâu đời và đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam với quan niệm gia đình nào được Táo quân phù hộ nhiều thì hạnh phúc, thành đạt và bình an.

(Theo TTXVN/Vietnam+)