Xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Thí sinh thuận lợi tối đa, nhà trường tăng trách nhiệm

Đại diện các trường đại học (ĐH) đều nhận định như vậy khi chia sẻ về công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay.

 
Ảnh minh họa

Nhiều cơ hội trúng tuyển hơn

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, quy định đăng ký xét tuyển năm nay khác hơn so với năm 2016, theo hướng có lợi cho thí sinh.

Cụ thể, để xét tuyển đợt I, thí sinh đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi THPT quốc gia. Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của từng trường ĐH, CĐ.

"Với quy định đăng ký xét tuyển mới, thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn và trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích”, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ nhận định.

Năm 2017, ĐH Đồng Tháp tiếp tục thực hiện đổi mới tuyển sinh theo hướng tinh gọn, bảo đảm đúng quy chế, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Ba phương thức, tuyển sinh năm nay của trường gồm:

Thứ nhất, xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Phương thức này áp dụng đối với hầu hết các ngành (chỉ trừ các ngành năng khiếu). Thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT.

Thứ hai, xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 THPT. Phương thức này chỉ áp dụng đối với 14 ngành trình độ đại học không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Thứ ba, xét tuyển kết hợp với thi tuyển. Phương thức này chỉ áp dụng đối với các ngành năng khiếu trình độ đại học. Nhà trường tổ chức thi tuyển các môn năng khiếu vào ngày 10/7/2017.

Cùng quan điểm này, ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học (ĐH Thủy lợi) cho rằng, quy định năm nay tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.

"Trong xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, thí sinh có rất nhiều quyền. Các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh lại được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần, trong đó có thể điều chỉnh thứ tự nguyện vọng, có thể thêm nguyện vọng...", ông Trần Khắc Thạc cho hay.

Chia sẻ về điểm mới trong tuyển sinh của trường năm nay, ông Thạc cho biết, ĐH Thủy Lợi mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng. Theo đó, ngoài thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường còn ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn trong tổ hợp xét tuyển; thí sinh trường chuyên đạt điều kiện tốt nghiệp; thí sinh là học sinh giỏi 3 năm THPT.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, với việc đăng ký không hạn chế số nguyện vọng và việc tổ chức đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng được thực hiện tại các trường THPT và trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) đã tạo điều kiện tối đa cho thí sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp với sở trường của mình.

Tăng trách nhiệm của các nhà trường

Khi thí sinh được tạo điều kiện tối đa, trách nhiệm của các trường THPT, trung tâm GDTX sẽ tăng lên, cùng với đó, vấn đề xử lý thí sinh ảo cũng được đặt ra.

Giải pháp của Bộ GD&ĐT là tập huấn và hướng dẫn chi tiết cho các Sở GD&ĐT để các Sở GD&ĐT hướng dẫn cho các trường THPT, trung tâm GDTX tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, cung cấp cho các trường ĐHcông cụ xét tuyển để xử lý vấn đề thí sinh đăng ký vào nhiều ngành theo thứ tự ưu tiên; cung cấp đầy đủ thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh cho các trường; xây dựng phần mềm lọc ảo để giúp các trường có thêm thông tin về lượng thí sinh ảo.

Hiện nay, nhiều trường đã tự nguyện hình thành nhóm để xét tuyển. Bộ GD&ĐT hỗ trợ phần mềm xét tuyển theo nhóm và cung cấp dữ liệu xét tuyển cho nhóm. Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh ảo như: xác định chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt công tác truyền thông...

Để thống nhất chỉ đạo trong toàn hệ thống và tạo thuận lợi cho thí sinh, ngoài việc cung cấp đầy đủ các quy chế, văn bản hướng dẫn và thông tin tuyển sinh trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ (thituyensinh.vn), Bộ GD&ĐT đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp với các Giám đốc Sở GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ.

Đồng thời, thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi, tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển. Trung tâm truyền thông của Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các báo, đài để kịp thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của thí sinh và người dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh, năm nay, với công cụ hỗ trợ, nếu các trường tuyển vượt nhiều, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết hơn; bởi Bộ đã hỗ trợ về thông tin, về phần mềm; bên cạnh đó, mỗi thí sinh chỉ trúng một nguyện vọng trong đợt đầu.

Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài việc làm cho kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, trung thực, khách quan hơn, còn tác động tích cực trong đổi mới cách dạy, cách học của các trường THPT, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Đối với các trường ĐH, CĐ, kết quả của kỳ thi nghiêm túc, có độ phân hóa tốt sẽ giúp cho các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh; tổ hợp xét tuyển đa dạng cũng giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp hơn với các ngành khác nhau.

Nguồn www.chinhphu.vn