Ý Kiến Nhà Khoa Học

Mấy vấn đề lớn cần được giải quyết để thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội về giáo dục

Trong phát triển đất nước hiện nay, vấn đề công bằng xã hội về giáo dục luôn được nhấn mạnh, vì đây là một trong những nguyên tắc phát triển có ý nghĩa trọng đại đối với quốc gia.

Trong phát triển đất nước hiện nay, vấn đề công bằng xã hội về giáo dục luôn được nhấn mạnh, vì đây là một trong những nguyên tắc phát triển có ý nghĩa trọng đại đối với quốc gia.

Từ lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc chúng ta phải làm cho mỗi người dân đều phải được học hành. Bước vào thế kỷ 21, vấn đề mọi người dân đều được học hành lại càng có ý nghĩa cấp thiết. Trong thời đại ngày nay, giáo dục đứng ở trung tâm của sự phát triển con người và cộng đồng xã hội. Sứ mạng cao cả của giáo dục là giúp cho mọi người được phát huy tất cả mọi tài năng và tiềm lực sáng tạo, bao gồm cả tinh thần trách nhiệm đối với đời sống. Ðể thực hiện mục đích này, phải phấn đấu để có được một thế giới, một xã hội công bằng hơn đối với mọi người trong mọi mặt của đời sống; trong đó phải nhấn mạnh sự công bằng về quyền được học hành, quyền được hưởng thụ một nền giáo dục hiện đại, quyền được tham gia phát triển giáo dục. Khi nền công nghiệp dần nhường chỗ cho kinh tế tri thức thì giáo dục không những là quyền của mọi công dân, mà còn mang sứ mạng vĩ đại là tạo mọi cơ hội để con người được học tập suốt đời, nghĩa là phải làm cho quốc gia thành một xã hội học tập. Xã hội học tập có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề lớn của thời đại sau đây:

- Trong xu thế hội nhập quốc tế, giáo dục giúp cho con người dần trở thành 'công dân toàn cầu' nhưng không được mất gốc.

- Giáo dục phải làm cho con người phát triển hài hòa trong mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại.

- Giáo dục phải luôn cân nhắc về những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; giữa đào tạo nhân lực cho hiện tại và chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai, biết tận dụng những ưu thế trước mắt nhưng không quên tập trung giải quyết những vấn đề lớn của ngày mai.

- Ðứng ở giác độ học tập suốt đời, giáo dục phải góp phần làm hòa hợp được ba động lực: sự cạnh tranh có tính khuyến khích, sự hợp tác mang tính tăng cường, sự đoàn kết mang tính gắn bó.

- Giáo dục phải tính đến hiện tượng gia tốc phát triển tri thức và khả năng tiếp thu tri thức có giới hạn của những con người cụ thể; không thể nhồi nhét mọi tri thức mới vào bất cứ lớp học nào, cấp học nào.

- Giáo dục cần thật sự nghiêm túc trong việc cung cấp những tri thức khoa học hiện đại và mang lại cho người học những giá trị cần thiết; mang đậm tính truyền thống, kết hợp với những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Những việc làm nêu trên của giáo dục tính đến từng con người, không loại trừ một ai thì chính đó là sự công bằng về giáo dục được giải quyết cơ bản. Sự công bằng về giáo dục là sự công bằng về cơ hội để con người phát triển bền vững trên cơ sở họ thực hiện được quyền lợi và nghĩa vụ học tập suốt đời. Tuy nhiên, nhiều việc trong giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu này. Lấy một thí dụ dễ hiểu: Mấy năm qua, ở nước ta đã mở thêm nhiều trường đại học. Song khá đông thanh niên vẫn đứng ngoài cổng trường, thèm muốn một ngày nào đó được ngồi trên giảng đường. Lý do cơ bản là họ không đủ tiền đóng học phí. Học phí cao và tăng liên tục làm cho họ không đủ khả năng lựa chọn. Trường mở ra nhiều mà họ vẫn không cảm thấy đấy là cơ hội mở rộng cho họ lựa chọn. Chúng ta đang bắt tay vào việc xây dựng một xã hội học tập để thực hiện một nền giáo dục tiếp tục suốt đời cho mọi người. Quan niệm giáo dục tiếp tục suốt đời cần được ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi nếu nền giáo dục ấy được Nhà nước chỉ đạo xây dựng để nó thể hiện được ưu thế về tính mềm dẻo, đa dạng và khả thi trong những thời gian khác nhau và những không gian khác nhau. Chỉ với một nền giáo dục tiếp tục suốt đời như thế mới bảo đảm cho mỗi người dân được học tập suốt đời theo nhu cầu của họ.

Công bằng về giáo dục luôn đòi hỏi sự công bằng về điều kiện học tập. Một phường trong thành phố lớn có ít nhất một trường tiểu học; một xã vùng cao hiện nay cũng có trường tiểu học. Nếu nhìn vào con số thống kê này, người ta có thể cho rằng, giữa miền núi với vùng đô thị đã có sự công bằng về giáo dục tiểu học. Thực ra vẫn rất bất công bằng khi trường tiểu học ở thành phố được xây dựng kiên cố, có đủ điện chiếu sáng trong từng lớp học, có bàn ghế học sinh đóng đúng quy cách, có máy tính cho học sinh sử dụng ngay khi vào lớp 1, v.v. còn trường ở vùng cao được bao bọc bằng những tấm phên đan bằng tre hoặc nứa, ghế học sinh ghép bằng những cây tre, mùa đông đến gió rừng làm cho lũ trẻ co ro trong lớp học, trời mưa hoặc lúc chiều tà, lớp học tối om. Cũng là học tiểu học, nhưng chất lượng trường lớp như thế làm sao mà bảo đảm việc học tập ở hai nơi là công bằng?

Hơn nữa, ngày nay chúng ta còn đang lo tập trung giải quyết có trường để học sinh được đi học. Trong lớp, những trẻ có năng lực tiếp thu nhanh, có những năng khiếu nào đó thường bị bỏ quên. Những học sinh có những khả năng học tập khác nhau đã được đối xử (được giảng dạy) một cách đồng loạt còn rất phổ biến. Như vậy, chúng ta rất quan tâm đến những chính sách truyền thống, nhưng chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội giáo dục thích hợp đối với những học sinh có khả năng học tốt, những học sinh có tiềm năng phát triển cao, làm cho xã hội mất một nguồn lực tốt. Xét từ quyền được phát triển, chúng ta chưa công bằng với những đứa trẻ mà đáng ra chúng có thể là những tài năng trong tương lai.

Nói đến công bằng giáo dục, không thể không nói đến sự công bằng về giới trong giáo dục. Nhiều hội nghị quốc tế về giáo dục đã đưa ra nhận định rằng, phụ nữ hiện tại vẫn chưa được tham gia học tập trong phần lớn chương trình giáo dục tiên tiến nhất và cũng chưa được bố trí thích đáng vào những vị trí, những cương vị hành chính cần thiết. Vì vậy, chìa khóa để phụ nữ tham gia nhiều hơn nữa những công việc của xã hội là giáo dục. Mở rộng các cơ hội học tập cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là những người có khả năng vượt trội, là mở ra những con đường để phụ nữ có những đóng góp giá trị vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Giáo dục là quyền con người thì một xã hội văn minh, dân chủ phải bảo đảm cho mỗi con người được thực hiện các quyền này. Trong thế kỷ 21, khi công nghiệp ngày càng dựa vào công nghệ, khi hoạt động của xã hội loài người ngày càng dựa vào tri thức thì giáo dục và đào tạo càng có vai trò quan trọng. Ðầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển con người bền vững, tất nhiên phải là đầu tư có tính đến sự công bằng cho mọi người.

(Nguồn Báo Nhân Dân)