VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình!

(NTO) Đây là một trong những thông điệp nhân Ngày Gia đình Việt Nam. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.... Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định việc quan tâm đến gia đình là đúng vì: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo lời Bác, ngày 28 – 6 - 2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các bậc cha mẹ đưa con em du lịch hè tại thắng cảnh Hang Rái. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, trong nhiều năm qua cùng với cả nước, tỉnh ta đã luôn quan tâm đến phát triển sự nghiệp gia đình, xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên khi xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Mặt khác, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu còn nhiều khó khăn; phòng, chống các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; tăng cường công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; giúp các gia đình có thêm kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị tiên tiến của xã hội phát triển về gia đình gắn liền với xây dựng văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị…

Là năm thứ 16 hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, với chủ đề: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Thông qua bữa cơm, các thành viên trong gia đình không những chia sẻ những buồn vui, truyền nhận những kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế; giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình…mà còn thể hiện sự quan tâm chia sẽ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội cộng với tác động với bao tiện ích của công nghệ thông tin…đã “bào mòn” dần sợi dây ràng buộc của gia đình. Thêm vào đó, lối sống công nghiệp hóa đã dần len lỏi vào mỗi gia đình nên các bữa cơm cần có đông đủ các thành viên trở nên thưa dần, dẫn đến hệ lụy đó là sự rời rạc trong quan hệ gia đình. Hay nói khác hơn thiếu hẳn mối liên kết vốn là truyền thống của mỗi gia đình Việt. Điều này biểu hiện rất rõ tại các gia đình ở những thành phố lớn, những trung tâm công nghiệp…

Tích cực hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, mỗi người chúng ta hãy tổ chức sum họp gia đình, ôn lại truyền thống nề nếp gia phong, gắn chặt tình cảm các thành viên với nhau trên tinh thần yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình, qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức trong mỗi người về trách nhiệm của các thành viên trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, từng bước đưa “Ngày gia đình” vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn mang ý nghĩa nhân văn cao cả…