Thông báo cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam năm 2017”

Căn cứ Hướng dẫn số 47-HD/TG, ngày 24-5-2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc hướng dẫn tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam năm 2017”, Báo Ninh Thuận lần lượt giới thiệu đến quý bạn đọc Thể lệ, Đề cương gợi ý một số nội dung chính trong 12 chủ đề thi viết tìm hiểu “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam”.

Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam năm 2017”

Điều 1. Mục đích, yêu cầu

- Góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ về quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù chung, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phát triển.

- Thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2017” cùng với các sự kiện: 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962 - 5/9/2017); 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977–18/7/2017); vun đắp ngày càng tốt đẹp hơn tình cảm của hai dân tộc Việt-Lào; đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch, gây chia rẽ quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam–Lào.

- Tiếp tục phát huy các giá trị khoa học của công trình biên soạn “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 1930-2007” (xuất bản năm 2011) và tài liệu tuyên truyền “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam–Lào, Lào–Việt Nam 1930–2017” (năm 2017).

Điều 2. Các quy định chung

2.1. Đối tượng dự thi

Tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, tôn giáo.

Ban Tổ chức khuyến khích các đối tượng tham gia dự thi là công dân hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia dự thi.

2.2. Hình thức thi

- Thi trắc nghiệm hàng tuần trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan báo chí điện tử phối hợp.

- Thi viết theo các nội dung chủ đề được Ban Tổ chức công bố.

Mỗi cá nhân được tham gia cả hai hình thức và không hạn chế số bài dự thi.

Điều 3. Các quy định cụ thể cho từng thể loại thi

3.1. Thi trắc nghiệm hằng tuần

- Người dự thi tiến hành các thao tác để trả lời câu hỏi thi của Ban Tổ chức:

Truy cập vào một trong các trang web: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: http://vietlao.dangcongsan.vn; Báo Nhân dân: www.nhandan.org.vn; Báo Quân đội Nhân dân: www.qdnd.vn; Tạp chí Tuyên giáo điện tử: www.tuyengiao.vn;  Báo Tiền Phong: www.tienphong.vn; Báo Thanh Niên: www.thanhnien.vn; Báo Tuổi trẻ: www.tuoitre.vn).

+ Trả lời câu hỏi thi:

Mỗi tuần, Ban Tổ chức Cuộc thi đưa ra 3 câu hỏi. Mỗi câu hỏi thi có 3 đáp án trả lời trắc nghiệm, trong đó có 1 đáp án đúng. Người dự thi vào các chuyên trang Cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam và thao tác như sau:

(1) Điền các thông tin cá nhân (Họ và tên; chứng minh thư nhân dân; số điện thoại; địa chỉ liên hệ; E-mail...) theo yêu cầu và trả lời các câu hỏi bằng cách lựa chọn một phương án đúng, sau đó điền vào ô “Dự đoán” số người trả lời đúng, nhập “Mã xác thực” và bấm vào ô “Trả lời”.

(2) Trong trường hợp số người dự thi (từ 2 người trở lên) cùng trả lời đúng các câu hỏi, cùng dự đoán chính xác số người trả lời đúng, Ban Tổ chức sẽ căn cứ vào thời gian gửi trả lời câu hỏi để trao thưởng cho người gửi trả lời sớm nhất. Thời gian được tính từ khi bắt đầu đến khi kết thúc cuộc thi tuần trước (thời gian tính đến giây, phút, giờ, ngày theo thời gian thi, hiển thị trên phần mềm thi trực tuyến).

- Thời gian thi trắc nghiệm được tiến hành hàng tuần, bắt đầu từ ngày 2-5-2017 và kết thúc vào ngày 22-12-2017.

- Thời gian thi mỗi tuần được tính từ 10 giờ thứ ba hằng tuần và kết thúc vào 9 giờ 30 phút thứ ba tuần kế tiếp.

3.2. Thi viết

3.2.1. Quy định về bài dự thi

- Bài dự thi của tác giả phải là các tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ báo, tạp chí, sách.... và phải chuyển tải được một trong các chủ đề gợi ý của Ban Tổ chức cuộc thi.

- Bài dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy, với dung lượng tối đa 5.000 từ. Khuyến khích đánh máy và in trên giấy A4, cỡ chữ 14, nếu là tiếng Việt thì sử dụng font chữ Time New Roman. Có thể sử dụng ảnh để minh họa phong phú thêm bài viết (ghi rõ nguồn, tên tác giả của ảnh).

- Các bài dự thi trình bày trên các chất liệu khác như nhôm, nhựa, mô hình… không được xem xét giải cá nhân, nhưng được tính vào số lượng để xét giải tập thể nơi người dự thi nộp bài.

- Bài dự thi phải ghi rõ và đầy đủ họ, tên, tuổi (ngày, tháng, năm sinh), giới tính, nghề nghiệp, thành phần dân tộc, tôn giáo, đơn vị học tập, công tác, nơi thường trú; số điện thoại liên hệ.

3.2.2. Thời gian và địa điểm nộp bài thi dự thi

- Đối với cấp tỉnh, thành phố:

Thời gian nhận bài dự thi: Được tính từ sau khi Ban Tổ chức công bố Thể lệ Cuộc thi. Hạn cuối cùng nhận bài dự thi là ngày 15-8-2017 (căn cứ vào dấu bưu điện).

Nơi nhận bài dự thi: Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, thành phố (qua Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy-nơi người dự thi đang sinh sống, học tập và công tác); Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) đối với bài dự thi của cán bộ, chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

- Đối với cấp Trung ương:

Thời gian nhận bài: Từ ngày 1 đến 31-10-2017 (căn cứ vào dấu bưu điện).

Địa chỉ nhận bài dự thi: Tạp chí Tuyên giáo, số 49 đường Phan Đình Phùng, phường Quan thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Mọi chi tiết xin liên hệ với cán bộ Thường trực Cuộc thi: Điện thoại: 080.44374 – 080.44511; Fax: 04.37330967. E-mail: cuocthitimhieuquanhevietlao@tuyengiao.vn. Ban Tổ chức không nhận bài thi qua Fax và E-mail.

* Chấm thi

- Vòng một: Do Ban Giám khảo Cuộc thi cấp tỉnh, thành phố và tương đương tổ chức chấm, lựa chọn tối đa 30 bài dự thi đạt kết quả tốt gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương.

Ban Giám khảo Cuộc thi Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chấm, lựa chọn tối đa 50 bài dự thi đạt kết quả tốt gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương.

- Vòng hai: Ban Giám khảo Cuộc thi cấp Trung ương tổ chức chấm theo tiêu chí, thang điểm đã được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi quy định.

Điều 4. Giải thưởng cuộc thi

4.1. Thi trắc nghiệm hàng tuần

Mỗi tuần có 3 giải thưởng, bao gồm:

- 1 giải Nhất: trị giá 1.500.000 đồng.

- 1 giải Nhì: trị giá 1.000.000 đồng.

- 1 giải Ba: trị giá 500.000 đồng.

4.2. Thi viết

4.2.1. Giải cá nhân: Có 28 giải, bao gồm:

- 1 giải Nhất: 30.000.000 đồng

- 3 giải Nhì, mỗi giải: 10.000.000 đồng

- 5 giải Ba, mỗi giải: 5.000.000 đồng

- 20 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000 đồng

4.2.2. Giải tập thể: Có 28 giải, bao gồm:

- 1 giải Nhất: 30.000.000 đồng

- 3 giải Nhì, mỗi giải: 10.000.000 đồng

- 5 giải Ba, mỗi giải: 5.000.000 đồng

- 20 giải Khuyến khích, mỗi giải: 2.000.000 đồng

Điều 5: Thông báo kết quả và trao thưởng

5.1. Đối với thi trắc nghiệm

- Kết quả thi trắc nghiệm sẽ được cập nhật vào tuần cuối hằng tháng trên trang báo điện tử của các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp tổ chức Cuộc thi.

- Hằng quý, Ban Tổ chức Cuộc thi trao giải thưởng cho những người đoạt giải trong các cuộc thi trắc nghiệm tuần (người đoạt giải không có điều kiện trực tiếp nhận giải có thể nhận tiền thưởng qua bưu điện hoặc qua tài khoản cá nhân).

5.2. Đối với Cuộc thi viết

Kết quả Cuộc thi viết sẽ được công bố tại Lễ Tổng kết, trao giải Cuộc thi dự kiến vào tháng 12-2017.

Địa điểm tổ chức Lễ trao giải: Do Ban Chỉ đạo Cuộc thi quyết định.

Điều 6: Tổ chức thực hiện

Thể lệ Cuộc thi có hiệu lực từ ngày họp báo công bố và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc sửa đổi, điều chỉnh nội dung Thể lệ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Chỉ đạo Cuộc thi.