Bài học kinh nghiệm từ giải quyết khiếu nại, tố cáo đất đai trên địa bàn tỉnh

(NTO) Trong những năm qua, có thể nói tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng, trong đó trên 75% số vụ việc tập trung vào lĩnh vực đất đai, liên quan đến công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn về đất đai của các địa phương, đơn vị.

Nếu như năm 2014, các cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền đã tiếp 1.871 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, có 6 đoàn đông người, tăng 15% so với năm 2013, thì đến năm 2016 đã tiếp 2.029 lượt, với 3.310 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, đoàn đông người tăng lên con số 19 đoàn, tăng hơn 300% so với năm 2014.

Đối thoại là một trong những biện pháp giải quyết có hiệu quả khiếu nại trong lĩnh vực
đất đai. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đối thoại với các hộ
tiểu thương kinh doanh tại Chợ Tấn Tài (cũ) trước khi di dời chợ.

Nội dung người dân khiếu nại, tố cáo phát sinh chủ yếu liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, thu hồi đất, chính sách bồi thường khi thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư, khiếu nại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất trong nội bộ nhân dân và trong đó có nhiều vụ việc đã phát sinh từ những năm trước đã được xem xét giải quyết nhưng người dân chưa đồng tình... Điển hình các vụ việc như: Các hộ dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) khiếu nại việc bị xử phạt vi phạm lấn chiếm đất rừng; các hộ dân thôn Thành Tín (xã Phước Hải, Ninh Hải) khiếu nại liên quan khu vực đất tại thôn Bầu Ngứ (xã Phước Dinh, Thuận Nam); các hộ tại Dự án K1 và Dự án Xây dựng khu tái định cư tại phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); các hộ dân tại thôn Lạc Tiến và Quán Thẻ 3,

xã Phước Minh (Thuận Nam) kiến nghị UBND tỉnh giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ nhiễm mặn tại Dự án Muối Quán Thẻ; các hộ dân yêu cầu hỗ trợ, giải quyết bồi thường tại Dự án Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Phước Dân (Ninh Phước); các hộ dân thắc mắc, yêu cầu giải quyết bồi thường do Dự án Mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Hạ Sông Pha san ủi đường, nổ mìn làm ảnh hưởng đến cây trồng và diện tích đang canh tác của họ; yêu cầu giải quyết vụ việc liên quan đến Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, nhưng tựu trung lại có một số nguyên nhân chủ yếu như sau: Khi triển khai các dự án đầu tư có thu hồi đất thường dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo đa số là đòi hỏi thêm quyền lợi. Có thể dẫn chứng, qua giải quyết thì 11% đơn thư nội dung có đúng có sai, còn lại hơn 80% là khiếu nại sai!. Mặt khác, còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chính sách pháp luật, nhất là về đất đai tuy từng bước được hoàn thiện nhưng về chính sách bồi thường, tái định cư, giá đất… chưa thỏa đáng, chưa phù hợp thực tiễn, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân; quá trình các cơ quan liên quan thực hiện thủ tục thu hồi đất, đo đạc, kiểm kê tài sản, vật kiến trúc, cây trồng chưa chặt chẽ. Công tác công khai, minh bạch các chương trình dự án trước khi triển khai chưa được thực hiện kịp thời, đầy đủ và minh bạch nên chưa được sự đồng thuận của người dân, nhất là người dân trong vùng dự án. Công tác tuyên truyền những chính sách pháp luật mới ban hành, có những thay đổi điều chỉnh liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân chưa kịp thời, sâu rộng. Việc tiếp xúc, đối thoại với người dân để nắm bắt, lắng nghe và giải quyết những bức xúc, khiếu nại của người dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân trước khi triển khai dự án, mặc dù đã có quy định nhưng một số nơi, một số dự án chưa thực hiện đầy đủ. Đó là chưa đề cập đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị chưa chú trọng công tác tiếp công dân, chưa quan tâm giải quyết kịp thời các bức xúc, khiếu nại của người dân hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn, gây bất bình và mất niềm tin của người dân, nhất là ở cơ sở; còn có vụ việc không tập trung xem xét, giải quyết theo thẩm quyền mà né tránh, đùn đẩy cho cấp trên... Nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, có nhiều vụ việc đã được xem xét, giải quyết đầy đủ, đúng pháp luật nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại; có nhiều trường hợp cố tình chây ỳ; một số đối tượng lợi dụng khiếu nại, tố cáo kích động, xúi giục người dân tập trung đông người gây phức tạp tình hình...

Về kết quả giải quyết, tính từ năm 2014 đến tháng 5-2017, tổng số có 859 đơn khiếu nại, vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính các cấp, trong đó đã giải quyết 844/859 đơn, đạt 98,25% (trong số này thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết 184/189 đơn, đạt 97,35%). Về đơn thư tố cáo, có 20 đơn thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính các cấp. Kết quả đã giải quyết đạt 100% (trong đó Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết 5/5 đơn). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 791 triệu đồng, 30.574 m2 đất; kiến nghị khôi phục quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ bổ sung cho công dân trên 16,61 tỷ đồng, 111.200 m2 đất các loại; minh oan 7 trường hợp. Trong đó, Thanh tra tỉnh kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 791 triệu đồng, 8.321 m2 đất các loại; kiến nghị khôi phục quyền lợi hợp pháp và hỗ trợ bổ sung cho công dân hơn 9,61 tỷ đồng, 31.200m2 đất các loại; minh oan 3 trường hợp.

Qua phân tích để nhận rõ những nguyên nhân của thực trạng khiếu nại, tố cáo của công dân và kết quả giải quyết từng vụ việc cụ thể, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, cần tăng cường thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực thì hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Nơi nào thiếu công khai, minh bạch, quyết sách nào thiếu dân chủ, công bằng và buông lỏng công tác quản lý để xảy ra vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, thì sẽ gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Hai là, cán bộ thực thi nhiệm vụ phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, tôn trọng, lắng nghe Nhân dân thì mới giải quyết thấu tình, đạt lý, dứt điểm vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Nếu giải quyết hời hợt, né tránh thì Nhân dân càng bức xúc, dẫn đến tình trạng đơn thư vượt cấp, làm cho tình hình thêm phức tạp, vấn đề giải quyết càng thêm khó khăn.

Ba là, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tham gia đối thoại, hòa giải, thuyết phục, giải thích thì vụ việc sẽ giải quyết hiệu quả hơn. Nếu thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thì nhiều vụ việc sẽ được giải quyết ngay tại cơ sở.

Bốn là, đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đông người cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, quan tâm, chủ động rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đông người, coi đây là việc làm thường xuyên; tranh thủ sự hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm phối hợp, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương cùng với sự vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, pháp luật vào thực tiễn thì sẽ giải quyết dứt điểm. Đồng thời, coi trọng và kiên trì vận động, thuyết phục công dân tôn trọng và chấp hành chính sách, pháp luật và cách quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được kiểm tra, rà soát kỹ; kiên quyết đấu tranh, xử lý đối với các trường hợp lợi dụng gây rối, kích động, xúi giục, làm cho vụ việc thêm phức tạp.