Chuyện “Nhà báo”

(NTO) “Nhà báo” quê tôi có người chưa biết nghĩa thực sự là gì? Và những người làm báo (phóng viên, biên tập viên…) được gọi là Nhà báo thì có lẽ ai cũng biết. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam xin góp vui chuyện “Nhà báo” như lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các anh chị đang ngày đêm miệt mài làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân và chuyển tải diễn biến mọi mặt cuộc sống đang diễn ra đến với mọi người.

1. Chuyện tếu: “Nhà báo”quê tôi

Thuở học trò vốn ham chơi, có cơ hội là tôi trốn học rủ bạn đi đá banh, câu cá trộm… Bởi thế, tôi học hai năm một lớp là chuyện bình thường, được xếp trong top đám bạn có thành tích xây dựng trường lớp. Có lần thầy giáo đến nhà nói chuyện học hành, mẹ tôi buồn than trách: Con ơi là con, ngữ mày định làm “nhà báo” đến bao giờ? Mẹ bảo mình làm nhà báo, thích thật. Tôi liền đi khoe với mấy anh chị lớn tuổi: Em làm nhà báo nhé! Cứ tưởng họ tròn xoe mắt, ai ngờ lại phán câu xanh rờn: Nhà báo gì cái ngữ như chú, có chăng là ăn bám mẹ “báo đời” thì có. Ra thế, mẹ chê tôi ăn hại, không biết lại còn thích thú nữa. Cũng may, tại cái thói ham chơi lười biếng học hành nên mẹ nói người quen gửi tôi vào trường thiếu sinh quân để rèn luyện. Nhờ vậy mà tôi tốt nghiệp cấp ba rồi theo học trường sĩ quan lục quân (nay là đại học quân sự). Mãi sau này tôi mới biết, ở quê tôi người ta thường dùng “nhà báo” để nói chuyện tếu (cười) chỉ những người chưa có việc làm ở nhà báo ăn gia đình.

2. Và tôi làm “Nhà báo”

Chuyển về công tác ở cơ quan dân chính, thấy tôi có khả năng viết lách, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan phân công tôi viết bài đăng trên chuyên trang Công đoàn của báo tỉnh. Vốn thận trọng, sau khi viết xong tôi cầm bản thảo đến gặp Tổng Biên tập: Thú thật, soạn thảo văn bản tôi cũng vào hàng... khá, nhưng viết bài đăng báo có lẽ từ con số không, ông xem giúp bài viết ra sao? Nể tình chỗ quen biết, anh đọc qua một lượt rồi bảo: Nói ông đừng buồn, để tôi viết lại rồi cho đăng, sau này ông cứ bám theo bài này để viết. Tôi mừng quá: Có ông giúp là tôi yên tâm rồi, các bài sau có gì ông quan tâm chỉ dẫn giúp. Bài đăng báo lần đó tôi coi là bài mẫu, rồi ngẫm nghĩ bố cục, cách viết, lời văn ra sao. Dù viết bài đăng báo chỉ là việc kiêm nhiệm nhưng bài tiếp theo tôi bỏ hẳn cả ngày chủ nhật để viết, ngày thứ hai sửa lại câu chữ và trực tiếp đến gặp Trưởng phòng Thư ký Tòa soạn gửi bài. Được góp ý, tôi viết, sửa lại đến lần thứ ba mới được đăng. Dù tốn nhiều “nơ-ron” thần kinh, mất thời gian nhưng mừng là tác phẩm đầu tay “chính hiệu” của mình đã lên trang báo. Tôi viết bài không nhiều tuy khá thường xuyên nhưng phải đến hơn chục năm sau mới được mời làm cộng tác viên viết mục xã hội liên quan đến công tác chuyên môn của cơ quan mình. Có tư liệu sẵn, cùng với trải nghiệm cuộc sống, cộng với vốn viết báo được tích lũy qua năm tháng cũng kha khá nhưng để có một tác phẩm đăng báo cũng mất khá nhiều thời gian. Nhiều lúc, cứ như ma thuật, bài vở theo tôi cả vào giấc ngủ. Có lúc tôi đã tính nghỉ không viết bài nữa nhưng rồi anh em phóng viên động viên: Nghề báo phải đọc nhiều, tư duy, kết nối sự kiện… nhờ thế bộ não luôn luôn hoạt động, không chỉ làm giàu trí tuệ mà còn có lợi cho sức khỏe con người. Bởi thế, tôi mới trở thành cộng tác viên báo chí và hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả, có khi là nỗi gian truân của Nhà báo để có được bài viết, tác phẩm đến với bạn đọc.

3. Thay cho lời kết

Chuyện làm “Nhà báo” mới chỉ là cảm nhận riêng của người cộng tác viên. Trên thực tế đã có không ít Nhà báo hy sinh thân mình để có tác phẩm phản ánh đúng sự thật, Nhà báo bị đe dọa, hành hung khi viết về lĩnh vực chống tiêu cực, tham nhũng… nhưng không lùi bước và không ít Nhà báo có loạt bài viết nhờ vậy đã minh oan cho người bị hại, trả lại quyền lợi chính đáng cho công dân. Chấp nhận làm Nhà báo chân chính là mang nghiệp vào thân. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận nóng bỏng không tiếng súng với những hiểm nguy rình rập và cả hạnh phúc ngập tràn vì những đóng góp của mình để góp phần xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.