Bữa cơm gia đình ủ ấm yêu thương

(NTO) Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi bảo tồn, lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mỗi gia đình đầm ấm, tiến bộ sẽ góp phần tạo lập xã hội hạnh phúc, phát triển, thịnh vượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Mỗi quốc gia, dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ từng tế bào xã hội-gia đình.

Hạnh phúc của mỗi gia đình vô cùng quan trọng. Để duy trì và tạo lập hạnh phúc gia đình đều thông qua bữa cơm gia đình. Bữa cơm gia đình không chỉ cung cấp những món ăn chất lượng đảm bảo sức khỏe, mà còn là nơi các thành viên quây quần bên nhau, chia sẻ những niềm vui sau một ngày học tập, làm việc vất vả; nơi các bậc ông bà, cha mẹ giáo dục con trẻ những giá trị đạo đức, lối sống… Quan trọng hơn câu chuyện “có thực mới vực được đạo”, bữa cơm gia đình là lúc sinh hoạt ấm cúng cuối ngày, đặc biệt là cuối tuần càng thêm nhiều ý nghĩa. Thời gian chuẩn bị cho bữa cơm và lúc ăn cơm, các bậc sinh thành có thể thông qua nhiều câu chuyện giáo dục con trẻ về tình yêu thương, đạo hiếu và kinh nghiệm ứng xử. Rất nhiều bài học nhẹ nhàng, thấm thía về đạo đức, văn hóa có thể nhận được từ bữa cơm như: “Trên kính, dưới nhường”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”… Có miếng thức ăn ngon để phần cho người vắng mặt; bưng chén cơm, lấy thức ăn… người dưới phải lễ phép mời người trên. Đó là sự quan tâm của người về sớm, người ở nhà cố dằn cơn đói, nán chờ người về muộn thêm vài phút để bữa cơm gia đình có được sự hiện diện đầy đủ. Và việc gia đình cùng ăn chung bữa cơm mỗi ngày vào một khoảng thời gian nhất định cũng là một cách để ghi nhận sự cố gắng của từng thành viên trong việc tôn trọng giờ giấc, nền nếp gia đình...

Xã hội ngày càng phát triển, những bữa cơm sum họp gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ trở nên thưa dần. Khi bị cuốn trôi theo vòng quay của công việc, học tập, làm thêm…, nhiều người trẻ không có thời gian để đi chợ, nấu cơm. Chưa kể đến do đặc thù công việc, nhiều người phải đi làm xa, chỉ ăn ở nhà vào ngày cuối tuần. Rồi bố mẹ bận tiếp khách, con cái bận học thêm, xu hướng thích nghi với đồ ăn nhanh đã trở nên phổ biến và việc nấu nướng ở nhà đã không còn là điều bắt buộc như trước đây. Rồi thì cơm nước được nấu sẵn, ai có công việc phải đi sớm thì ăn trước, ai không có việc thì ăn sau… Tình trạng này khởi nguồn từ đặc điểm của xã hội hiện đại khiến mọi hoạt động của các thành viên trong gia đình bị chi phối theo nhịp hối hả của guồng quay học tập, công việc. Kế đó là nhu cầu của giới trẻ hiện đại khá phức tạp kéo các bạn khỏi bữa cơm nhà: Nhu cầu giao lưu kết bạn với người đồng lứa, nhu cầu tự khẳng định mình ở những không gian ăn uống sành điệu, sang trọng, nhu cầu mở rộng mối quan hệ giao tiếp… Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo khiến con người ta ngày càng lạc lỏng trong chính ngôi nhà của mình.

Dù ở thời đại nào, bữa cơm gia đình vẫn giữ vai trò quan trọng, là nơi thắp lửa, giữ ấm hạnh phúc, nơi kết nối tình thân. Mỗi gia đình Việt Nam hãy quan tâm hơn nữa “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để vun đắp tình cảm, tạo sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; khẳng định vai trò, vị trí của mỗi gia đình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.