Hiệu quả từ mô hình tưới nước tiết kiệm

(NTO) Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng và nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm vào sản xuất, không chỉ giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, cải thiện thu nhập, đời sống, mà còn góp phần quan trọng tạo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.

 
Bà con xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm vào sản xuất.

Trở lại các thôn Nam Cương, Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước), chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì vùng đất từng được mệnh danh “vùng cát bay” trước đây nay đã được phủ đều một màu xanh của các loại hoa màu như đậu phộng, măng tây xanh, hành lá… Đồng chí Hồ Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết: Trước đây, nhiều diện tích đất của các thôn Tuấn Tú, Nam Cương gần như bị bỏ hoang, không sản xuất được do đất đai bạc màu, thiếu nước sản xuất. Năm 2011, thông qua Dự án “Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” do Tổ chức iDE tại Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh phối hợp thực hiện, 9 hộ dân tại 2 thôn được chọn làm thí điểm để chuyển giao công nghệ và hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, với diện tích 500 m2/hộ, theo phương thức tưới phun mưa và nhỏ giọt trên một số loại rau màu ngắn ngày như hành lá, củ cải trắng, cà chua, củ cải… Kết quả qua một vụ sản xuất, mô hình đã giúp bà con tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới, công làm đất, bón phân, tăng năng suất cây trồng. Thấy được lợi ích kinh tế từ mô hình, cộng với sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của Hội Nông dân, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã với diện tích trên 200 ha, với khoảng 500 hộ đầu tư lắp đặt, áp dụng cho các loại rau màu ngắn ngày cho đến các loại cây ăn trái lâu năm như táo, thanh long, nho, măng tây xanh… Đặc biệt, mô hình này còn giúp bà con mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, thiếu thốn nguồn nước, góp phần cải thiện đất, hạn chế quá trình hoang mạc hóa.

Đánh giá qua hơn 5 năm thực hiện dự án cho thấy, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm giúp bà con giảm từ 20-40% lượng nước tưới; tăng năng suất cây trồng từ 10-40%; giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập cho các hộ gia đình từ 20-50% so với phương thức tưới tràn truyền thống. Ngoài ra, với mục tiêu hướng đến các đối tượng nông dân nghèo, nên trước khi triển khai dự án, iDE và Hội Nông dân đã hết sức linh hoạt, nghiên cứu để sử dụng các vật liệu, thiết bị sản xuất trong nước, phù hợp với điều kiện của địa phương, kinh tế của người dân thay vì sử dụng hàng nhập ngoại; đơn giản hóa kỹ thuật lắp đặt, qua đó không chỉ giảm đáng kể chi phí, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc tự đầu tư, lắp đặt hệ thống, nhân rộng mô hình. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới phun, nhỏ giọt chỉ có giá từ 1- 3,5 triệu đồng/sào, tùy vào chất lượng vật tư. Ông Lê Công Tuấn, thôn An Xuân 2, xã Xuân Hải (Ninh Hải) cho biết: Gia đình tôi trồng 2,5 sào măng tây xanh, được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tôi đầu tư 7 triệu đồng mua máy bơm nước và vật tư lắp đặt hệ thống tuới nước tiết kiệm trên 1,2 sào măng tây xanh của mình. So sánh với diện tích măng tây xanh được tưới tràn, diện tích măng tây xanh được lắp đặt tưới tiết kiệm có năng suất, thân to, đẹp vượt trội hơn hẳn, đồng thời còn giúp giảm công tưới, lượng phân bón…

Với những hiệu quả kinh tế mang lại, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng Đề án “Nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm tại Ninh Thuận giai đoạn 2017-2020”, mục tiêu đến năm 2020, Hội sẽ nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm thêm 500 ha, chủ yếu áp dụng cho các cây trồng chủ lực của tỉnh như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam… Ông Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hiện đề án đang chờ UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ kinh phí. Khi triển khai, chắc chắn đề án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi nhuận, cải thiện đáng kể đời sống cho bà con nông dân.