Qua 4 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng ở nông thôn, miền núi

(NTO) Ngày 21-11-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở nông thôn, miền núi tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết đã định hướng cho các Đảng bộ huyện và cấp ủy cơ sở tăng cường lãnh đạo hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở nông thôn, miền núi, tạo động lực thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Theo đồng chí Phạm Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU, các huyện, thành ủy đều xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, Nghị quyết chuyên đề và sau khi tiếp thu các văn bản liên quan Nghị quyết số 10-NQ/TU, các cấp ủy cơ sở đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc đến toàn thể cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) trong từng đảng bộ. Đến nay, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng Đảng ở nông thôn, miền núi, ven biển đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhất là công tác phát triển ĐV được quan tâm thực hiện hiệu quả. Tính từ năm 2012-2016, trung bình hằng năm các TCCSĐ xã nông thôn, miền núi kết nạp 278 ĐV mới, đạt so với mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU là kết nạp từ 250-300 ĐV. Riêng từ đầu năm 2017, theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong số 339 ĐV kết nạp của toàn Đảng bộ tỉnh, có 94 ĐV kết nạp tại các xã. Việc quan tâm phát triển ĐV ở khu dân cư thuộc các xã nông thôn, miền núi đã góp phần xóa tình trạng thôn sinh hoạt chi bộ ghép và thôn trắng ĐV.

Nông dân xã Phước Bình (Bác Ái) trồng cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: V.M

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ CB, công chức cấp xã, các cấp ủy Đảng đã quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Theo báo cáo của Đoàn Kiểm tra Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, toàn tỉnh có 1.037 CB chuyên trách, công chức cấp xã (làm việc ở 47 xã), trong đó CB chuyên trách 508 người (91,5% là ĐV) và công chức các xã 529 người (61,6% là ĐV). Nếu so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, có thể nói chất lượng đội ngũ CB, công chức xã được nâng cao; chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định tương đối rõ ràng; xác định rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở cơ sở, điều hành của chính quyền và sự phối hợp hoạt động của các tổ chức Mặt trận, đoàn thể. Đặc biệt ở Bác Ái, qua thực tiễn công tác, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng tăng cường về cơ sở đã có bước trưởng thành, được tuyển dụng, trong đó có một số giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt xã. Thực hiện Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ, Bác Ái còn xét tuyển 82 trí thức trẻ về làm việc tại các xã thuộc huyện, tăng cường 8 Phó Chủ tịch UBND xã theo Dự án 600. Bước đầu lực lượng này đã thể hiện vai trò tích cực trong việc giúp các xã nghèo phát triển kinh tế-xã hội.

Nhìn chung, qua thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, hệ thống chính trị ở nông thôn, miền núi tiếp tục được kiện toàn, dân chủ cơ sở được mở rộng, năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy được nâng cao. Các xã nông thôn tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi; qua đó tiềm năng, lợi thế từng địa phương được phát huy, kinh tế có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Đối với các xã miền núi, cấp ủy cũng rất chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đặc thù từng địa phương, đơn cử như phát triển nuôi bò ở xã Hòa Sơn (Ninh Sơn), trồng bắp lai, bưởi da xanh ở Phước Bình (Bác Ái), trồng khoai mì, mía ở xã Phước Chiến (Thuận Bắc)…Tại các xã ven biển, cấp ủy đã tập trung chỉ đạo phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển mạnh các mô hình nuôi, trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt Chương trình xây dựng NTM được cấp ủy các cấp tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả. Đến nay, tỉnh ta có 16 xã (34,04%) đạt chuẩn NTM, nhưng vào thời điểm cuối năm 2015 có 11 xã (đạt 23,4%), tức đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra (năm 2015 có 23% xã đạt chuẩn NTM).

Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần khắc phục các mặt hạn chế như năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở chưa phát huy; tỷ lệ CB, công chức ở các xã chưa đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị chiếm tỷ lệ cao; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, đoàn thể ở vài xã chậm đổi mới. Cụ thể, các huyện, thành ủy, TCCSĐ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/TU, trong đó chú trọng nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; gắn công tác xây dựng Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh phù hợp với tình hình thực tế địa phương.