Ninh Sơn: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng

(NTO) Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng (BVR), Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Sơn còn tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm. Nhờ đó, tình trạng phát rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng đã giảm đáng kể.

Ông Trương Tấn Lành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ninh Sơn, cho biết: Địa bàn Ninh Sơn hiện có 35.988ha rừng tự nhiên và trên 1.387ha rừng trồng. Để công tác quản lý, BVR đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động tham mưu UBND huyện ban hành phương án tuần tra, truy quét theo từng quý, từng tháng; huy động các ban, ngành cùng phối hợp tổ chức truy quét dọc các tuyến đường, các vùng giáp ranh; kiểm tra liên ngành các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; lập danh sách các đối tượng sử dụng xe “độ chế” vận chuyển lâm sản ký cam kết và xử lý nếu vi phạm. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng Quy chế phối hợp công tác quản lý, BVR tại những vùng giáp ranh giữa huyện Ninh Sơn và huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng). Phối hợp với các đơn vị chủ rừng, lực lượng Công an, Quân sự và UBND các xã, Tổ BVR tổ chức 300 đợt tuần tra, truy quét với 1.705 lượt người tham gia tại khu vực rừng trọng điểm, vùng giáp ranh với huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng) như: Núi Đá Dựng (xã Quảng Sơn), Cà Tọt, Hamaxin, Hóc Bà Lành (xã Lâm Sơn), Thác Mưa, Tà Nôi (xã Ma Nới)... Qua công tác tuần tra, truy quét đã phát hiện, xử lý kịp thời 85 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 361 triệu đồng.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Ninh Sơn kiểm tra số gỗ tịch thu.

Không chỉ tăng cường công tác tuần tra, truy quét, huyện Ninh Sơn còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân. Từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp tổ chức 53 đợt họp dân, với 1.631 lượt người tham gia; tổ chức cho 149 hộ dân ký cam kết không vi phạm về lĩnh vực rừng; lập danh sách 78 đối tượng có liên quan đến việc phát rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để theo dõi, quản lý. Thực hiện đóng 32 bảng cấm người và phương tiện vào rừng trái pháp luật. Chỉ đạo cho các đơn vị chủ rừng như: Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Pha và Công ty Lâm nghiệp Ninh Sơn thực hiện tốt việc giao đất cho người dân, giao rừng khoán quản cho các tổ cộng đồng thôn, lực lượng vũ trang nhận bảo vệ, với diện tích gần 4.000 ha.

Theo đánh giá của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, dù kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn, do diện tích rừng trải dài nhiều xã, lại giáp ranh với nhiều địa phương của huyện Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng). Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Hạt kiểm lâm huyện Ninh Sơn đã phát hiện, xử phạt hành chính 109 vụ, tịch thu trên 34,027 m3 gỗ các loại, 17 xe máy, 5 máy cưa xăng... Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm về rừng, hiện nay huyện Ninh Sơn đã thành lập 6 Tổ chốt BVR tại những khu vực rừng trọng điểm. Bên cạnh đó, địa phương còn có 17 Tổ cộng đồng nhận khoán BVR, nhờ đó đã thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 4 vụ cháy rừng (giảm 8 vụ và giảm 1.330 m2 so với cùng kỳ), tất cả đều được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại lớn.

Để thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp trong quản lý giữa Hạt Kiểm lâm và chính quyền cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR trên địa bàn, theo ông Trương Tấn Lành, trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân tham gia quản lý, BVR, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị chủ rừng, các tổ BVR, tổ nhận khoán rừng duy trì việc cắm chốt tại các khu vực cửa rừng nhằm quản lý chặt không cho các đối tượng vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Tăng cường giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh, mua bán lâm sản trên địa bàn. Kiên quyết triệt phá các băng, nhóm sử dụng xe máy “độ chế” để vận chuyển lâm sản trái phép và mở các đợt tuần tra, truy quét có sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng tại những khu vực rừng trọng điểm, rừng giáp ranh, để ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.