Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh: Qua 20 năm phát triển

(NTO) Trợ giúp pháp lý là một chính sách xã hội đã được triển khai ở nhiều quốc gia với các mô hình khác nhau theo hoàn cảnh và điều kiện của mỗi nước. Đây là một chính sách xã hội rất nhân văn, thể hiện sự phấn đấu vì công bằng xã hội, sự đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng.

Đặc biệt đối với nước ta, việc nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn luôn là vấn đề hết sức cấp thiết. Trợ giúp pháp lý ra đời làm chỗ dựa cho người dân, để họ tiếp cận và tin vào công lý, vào Nhà nước, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 được ban hành đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc để đưa công tác này đi vào hoạt động thật sự hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp được thành lập theo Quyết định số 445/QĐ-TH ngày 3-3-1998 với tên gọi “Trung tâm Trợ giúp pháp lý người nghèo và đối tượng chính sách”. Sau đó, ngày 4-7-2007, UBND tỉnh có Quyết định số 152/2007/QĐ-UBND về việc đổi tên Trung tâm Trợ giúp pháp lý người nghèo và đối tượng chính sách thành Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận.

Hiện nay, Trung tâm có 22 công chức, viên chức; Giám đốc và 2 Phó Giám đốc; Trung tâm có 3 Phòng chuyên môn; 2 Chi nhánh; có 12 Trợ giúp viên pháp lý/22 biên chế; 61 cộng tác viên.

Trong lực lượng thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, tham gia tố tụng ngày càng nhiều các vụ việc để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý. Từ năm 2007 đến tháng 3-2017, Trung tâm đã thực hiện tổng số 12.792 vụ việc, trong đó: tư vấn 12.306 vụ việc; tham gia tố tụng 455 vụ; đại diện ngoài tố tụng 31 vụ. Tổng số người được trợ giúp pháp lý là 12.796 lượt người, trong đó có 4.370 người nghèo, 304 người có công với cách mạng, 301 trẻ em, 118 người khuyết tật, 172 người già, 4.379 người dân tộc, 3.152 đối tượng khác.

Từ những kết quả đạt được đã khẳng định công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, nâng cao cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương. Bằng sự tâm huyết với nghề và sự nhiệt tình trong công việc, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Thuận đã thể hiện đây thực sự là một hoạt động “luôn luôn đi cùng Nhân dân”