Thế giới trong tuần

1. Một trong những sự kiện nổi bật trên thế giới trong tuần, đó là ngày 15-6-2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã tiến hành đối thoại trực tiếp qua truyền hình với người dân. Đây là lần đối thoại trực tuyến thứ 15 của ông Putin với người dân Nga, cả trên cương vị Tổng thống lẫn Thủ tướng.

Tại cuộc đối thoại lần này, tổng cộng đã có gần 2 triệu câu hỏi của người dân Nga gửi đến Tổng thống theo các kênh khác nhau với các vấn đề chính được quan tâm liên quan đến đời sống xã hội, chính trị, kinh tế đất nước, trong đó được quan tâm nhất là liệu ông Putin có tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ tổng thống tới hay không. Bên cạnh đó các tuyên bố và quan điểm của nguyên thủ nước Nga đưa ra về các vấn đề quốc tế cũng rất được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có quá nhiều bất ổn.

Nhìn chung, những vấn đề mà người dân nêu ra đều được người đứng đầu nước Nga trả lời đầy đủ và sâu sắc. Các nhà phân tích cho rằng, qua 15 cuộc đối thoại đã được thực hiện, người đứng đầu nước Nga đang ngày một xích lại gần hơn, hiểu người dân nhiều hơn, bởi ông đã được trực tiếp lắng nghe tâm tư tình cảm của họ. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Quỹ Công luận (FOM) Nga công bố sau cuộc đối thoại trên, 73% số người đã ủng hộ tiến hành “Đường dây trực tiếp” với Tổng thống Putin, 57% số người đánh giá cuộc giao lưu rất hiệu quả trong giải quyết các vấn đề cụ thể.

2. Trong một diễn biến khác, Nhật Bản ban hành luật chống khủng bố gây tranh cãi. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản mới ban hành luật chống tội phạm, cho phép các nhà điều tra khởi tố dễ dàng hơn những cá nhân, tổ chức vì tội cấu kết trong những âm mưu khủng bố hoặc các tội nghiêm trọng khác. 

Theo chính phủ Nhật Bản, luật chống tội phạm này là cần thiết để tăng cường an ninh hướng tới Thế vận hội 2020 tổ chức tại thủ đô Tokyo. Giới chức Nhật Bản cũng cho hay đây là điều kiện tiên quyết để nước này thông qua Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vốn được Nhật Bản ký vào năm 2000. Tuy nhiên luật này lại gây ra tranh cãi khi có ý kiến phản đối cho rằng luật có thể dẫn đến việc vi phạm quyền tự do công dân…

3. Cháy tòa nhà chung cư ở London (Anh) làm gần 100 người chết và bị thương. Cụ thể là ngày 14-6, một vụ cháy đã xảy ra ở tòa tháp chung cư 27 tầng Grenfell nằm tại quận White City ở phía Tây thủ đô London (Anh). Sau hơn 5 tiếng cháy dữ dội ngọn lửa đã bị dập tắt. Tính đến ngày 16-6, giới chức Anh xác nhận 17 người đã thiệt mạng, 78 người bị thương. Số người cư trú chính thức của tòa nhà chung cư trên được xác định là 600 người.

Con số thương vong được cảnh báo sẽ còn tiếp tục tăng cao do chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ vẫn chưa kết thúc. Hiện lực lượng cứu hộ mới chỉ tiếp cận được khoảng một nửa tòa chung cư. Trong khi đó, việc xác định danh tính nạn nhân chắc chắn sẽ mất nhiều tháng…

Vụ hỏa hoạn tại tòa chung cư nói trên không chỉ gây bàng hoàng với những thiệt hại nghiêm trọng cả về tính mạng con người và tài sản mà còn đặt ra câu hỏi lớn về các biện pháp an toàn tại tòa nhà tọa lạc ngay trong thành phố hiện đại bậc nhất thế giới này. Tại hiện trường, chỉ cách tòa Grenfell xấu số vài phút đi bộ là các khu phố xa hoa nhất nhì “xứ sở sương mù” như Kensington và Chelsea với nhiều dãy căn hộ hiện đại, tráng lệ trị giá hàng triệu bảng Anh. Đây cũng là khu phố rất nổi tiếng tại Anh và toàn thế giới vì là nơi ở của các tên tuổi hàng đầu làng giải trí và tài chính. Do đó, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng với con số thiệt hại quá lớn như vậy càng gây khó hiểu. Nhưng câu trả lời đơn giản chỉ là ngay tại thành phố này, đối lập giữa giàu và nghèo vẫn hiện hữu. Những tòa nhà cao tầng hiện đại và an toàn là những tòa nhà của giới “siêu sang” còn giới bình dân vẫn chấp nhận sống trong những tòa nhà xã hội thiếu thốn mọi điều kiện an toàn trong khi hàng ngày vẫn được gọi là “hàng xóm” của giới siêu giàu. Sự đối lập quá lớn này đã khiến không ít người đặt câu hỏi vì sao sự an toàn và tính mạng của người nghèo lại không được quan tâm đầy đủ để kết quả đau lòng xảy ra…