Giúp người như thể giúp mình đó thôi!

(NTO) Chúng tôi được dịp gặp bà Trần Thị Chích, cán bộ hưu trí ở khu phố 2, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn với sự kính phục, ngưỡng mộ “trăm nghe không bằng một thấy” để tìm hiểu thêm về những việc làm rất đời thường nhưng cái đáng nói là không phải ai cũng có “can đảm” để làm!. Còn đối với bà, việc có nhà báo đến thăm không còn là chuyện lạ, mà thay vào đó là tâm lý vui tươi, hồ hởi, đúng với “chất” của người cách mạng, sống, chiến đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Năm nay bà Chích đã bước sang tuổi “thất tuần”, cái tuổi mà đáng ra rất cần được nghỉ ngơi, chăm sóc và hưởng trọn niềm vui quây quần bên con cháu, gia đình của mình. Nhưng, bên cạnh đó, bà Chích còn chọn thêm cho mình những niềm vui khác, những niềm vui rất riêng mà không phải ai cũng có được, đó là niềm vui khi được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, những mảnh đời bất hạnh ở ngay trong thôn, xóm, nơi bà và gia đình đang sinh sống. Nói đến đây, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ đây ắt hẳn phải là một công việc gì đó lớn lao!... Việc nhỏ thôi, nhưng ý nghĩa và hiệu quả mang lại thì không thể diễn tả hết. Bà kể: Ngay từ khi bắt đầu nghỉ hưu (năm 1998), bà đã tự lập ra một nguồn quỹ cho các hoạt động “khuyến học, khuyến tài” theo cách riêng của mình đó là hàng ngày đi “thu gom” giấy vụn, ve chai, mỗi ngày bình quân bán được trên dưới 20.000 đồng, thế nhưng “tích tiểu thành đa”, hàng tháng bà cũng có từ 600-800 ngàn đồng để góp cho quỹ của mình… Bà cười sảng khoái khi cho chúng tôi biết: Nhỏ vậy thôi chứ chỉ trong 5 năm trở lại đây, từ nguồn “ve chai, giấy vụn” thu lượm đó, bà đã tặng trên 20 suất học bổng và hơn 100 kg gạo thơm cho học sinh nghèo với tổng số tiền trên 22 triệu đồng. Tuy những phần quà mà Bà dành tặng giá trị không lớn nhưng chứa đựng cả một sự động viên, khích lệ to lớn, thể hiện sự quan tâm, thương yêu của những người hàng xóm với nhau, và đó cũng chính là một trong những đức tính quý báu mà Bà đã học tập từ tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

 
Bà Trần Thị Chích (ở giữa) thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình trong khu phố nơi mình sinh sống.

Không những vậy, bà còn tích cực vận động đóng góp các loại quỹ do địa phương và các cấp phát động, đơn cử là từ nguồn kinh phí ban đầu với 3,5 triệu đồng của nguồn Quỹ Người cao tuổi khu phố, sau 5 năm vận động (2011-2016), đến nay nguồn quỹ đã tăng lên được trên 18 triệu đồng. Đồng thời, hàng năm nhân Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6-6), bà đã vận động kinh phí đóng góp để tặng cho 88 cụ cao tuổi tại khu phố, mỗi cụ 1 phần quà gồm bánh, sữa và 30.000 đồng tiền mặt; tổ chức vận động từ các nhà hảo tâm, các hộ gia đình khá giả để tặng quà cho các cháu nhân dịp Tết Trung thu và Ngày Quốc tế thiếu nhi với tổng số tiền khoảng 35 triệu đồng. Ngay cả các cháu và gia đình các cháu đi nghĩa vụ quân sự bà cũng “góp” phần, với mỗi suất quà từ 200-300 ngàn đồng. Không những vậy, nhân dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, bà còn trực tiếp đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có người khuyết tật để động viên, thăm hỏi và tặng mỗi người già, khuyết tật từ 30-50 ngàn đồng... Bình quân mỗi năm bà dành tặng từ 8-10 triệu đồng từ lương hưu của bản thân và từ thu nhập khác của gia đình để thăm, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà nói vui, bởi ai cũng hiểu rõ những đồng tiền bà kiếm được thông qua việc “lượm” ve chai, nhôm nhựa là để làm từ thiện, để giúp đỡ người nghèo, để giúp những mảnh đời bất hạnh có thêm niềm vui trong cuộc sống... cho nên, nhiều gia đình, kể cả những cơ quan trên địa bàn đã rất ủng hộ bằng việc gom sẵn những đồ dùng không còn sử dụng để mỗi sáng “trao” lại cho bà với thái độ trân trọng.

Không nói nhiều về mình, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình công tác trước đây và tích cực với công tác xã hội từ ngày về hưu đến nay, bà Trần Thị Chích đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành Trung ương và của tỉnh, huyện. Đặc biệt, năm 2016, bà vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và mới đây, ngày 18-5-2017, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, bà vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với 74 tuổi đời, trên 50 năm tuổi Đảng với “thành tích” lớn lao nhất-như lời Bà nói-là không ngừng cống hiến cho công tác và cho xã hội... nhưng khi chúng tôi hỏi vui: Đến lúc nào thì Bà “ngừng” công việc xã hội?. Bà nghiêm giọng: Khi được kết nạp Đảng, Bà đã thề với Đảng, với Bác Hồ là tuyệt đối trung thành và cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Rồi bà cười xòa, nói vậy chứ bà vẫn tiếp tục làm cho đến khi không còn sức nữa, giúp người như thể giúp mình đó thôi!.

Chào bà để ra về, vậy mà chúng tôi vẫn ấn tượng mãi về hình ảnh bà cụ ngày ngày trên chiếc xe đạp maxtin đã sờn màu, miệt mài, dù ngày mưa hay ngày nắng đi khắp khu phố để làm việc nghĩa...