Chính phủ cam kết thanh toán cho nhà thầu nút giao Ngã Ba Huế

Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội Đà Nẵng về việc nhà thầu đã xây dựng xong nút giao Ngã Ba Huế (Đà Nẵng) nhưng chưa được các cơ quan Nhà nước thanh toán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT tính toán, báo cáo cấp thẩm quyền hoàn trả cho địa phương.

 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới lĩnh vực mình phụ trách.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 15-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới lĩnh vực mình phụ trách.

Theo Phó Thủ tướng, dự án Ngã Ba Huế được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), nhưng khi dự án đi vào hoạt động từ năm 2015, các cơ quan Nhà nước vẫn chưa thanh toán tiền cho nhà thầu, nên đây được coi là nợ đọng. Khi làm kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, các cơ quan chưa tính khoản nợ này vào, nên không có nguồn chi trả.

Phó Thủ tướng cho biết: “Chính phủ cam kết trả cho nhà đầu tư rồi và giao cho Bộ KH&ĐT lấy nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Bộ GTVT, hoặc 10% nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn của cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp thẩm quyền hoàn trả cho địa phương”.

Với chất vấn của đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) về việc Chính phủ có điều chỉnh giảm chi tiêu thường xuyên không, khi mà tăng trưởng kinh tế GDP trong 5 tháng đầu năm tăng thấp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, GDP và thu, chi ngân sách liên quan tới nhau, nhưng không giống nhau.

Ngay trong quý I/2017, GDP tăng trưởng thấp, nhưng thu ngân sách cao. Thu, chi ngân sách sẽ theo dự toán được cấp thẩm quyền quyết định. Một số địa phương được Quốc hội giao tăng thêm để vượt thu. Trước tình hình thu ngân sách khó khăn, có địa phương điều chỉnh giảm chi. Trường hợp thu ngân sách thấp, nhưng chi vượt cao hơn dự toán thì đáng lo ngại.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07 về cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công. Chúng ta sẽ phải tiết kiệm chi tiêu triệt để, vay trong khả năng trả nợ, chi tiêu trong khả năng chi trả của nền kinh tế. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, trường hợp bất khả kháng, địa phương giảm thu thì Trung ương vẫn hỗ trợ, bảo đảm các khoản chi cần thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Với các khoản chi không cần thiết như lễ tân, hội thảo, công tác nước ngoài, giãn tiến độ dự án,… thì các bộ, địa phương sẽ tổng hợp để xử lý, tránh việc ngân sách Trung ương giảm thu nhưng vẫn phải bù cho các địa phương chi vượt dự toán.

Vẫn theo chất vấn của đại biểu Trần Văn Minh “tín dụng tăng cao nhưng tăng trưởng kinh tế GDP lại thấp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nguồn vốn (ngân sách, tín dụng và đầu tư) là một trong ba yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế đất nước. Trước đây, khi Việt Nam có tăng trưởng kinh tế 7% thì tín dụng tăng bình quân 33%/năm, cá biệt có năm tín dụng tăng trưởng hơn 50%.

“Nay tín dụng chỉ tăng bình quân 16-18%/năm mà kinh tế tăng trưởng 6% chứng tỏ chất lượng tăng trưởng của ta tốt hơn. Vừa qua, giá dầu thô giảm nên làm giảm 0,78 điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ cho GDP khi các nguồn khác khó khăn.

Quốc hội đã có chỉ đạo tăng trưởng tín dụng 17-18%, nhưng yêu cầu Chính phủ phải bảo đảm chất lượng tín dụng, dẫn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát vốn vào lĩnh vực bất động sản…”, Phó Thủ tướng cho hay.

Nguồn www.chinhphu.vn