Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn về vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc

Chiều 14-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, giá thuốc và quản lý giá thuốc là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn.

 
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương – tỉnh Tây Ninh nêu ý kiến chất vấn
Ảnh: Đình Nam

Nhận định công tác quản lý giá thuốc của Bộ Y tế thời gian gần đây còn chưa tốt, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương – tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện vẫn còn nhiều phản ánh cho rằng giá thuốc Việt Nam đang ở mức cao hơn so với mặt bằng giá thuốc các nước trong khu vực. Thậm chí ngay cả tại Việt Nam, vẫn có sự chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương như truyền thông tin đại chúng đưa tin. Bên cạnh đó, thời gian qua, dù cho Bộ Y tế có thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đảm bảo tính đúng, tính đủ, nhưng khi giá thuốc tăng thì người bệnh vẫn phải trả chi phí tăng lên, trong khi đời sống của người dân nhiều nơi còn khó khăn. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng này.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thị trường giá thuốc của Việt Nam hoàn toàn đang ổn định và không tăng cao. Bộ trưởng cho biết, trong chỉ số giá tiêu dùng của những mặt hàng thiết yếu, thuốc vẫn đang đứng ở vị trí thứ 9, thứ 10, có nghĩa là không tăng đột biến. Hơn nữa, theo số liệu đánh giá độc lập gần đây của tổ chức quốc tế IMF, giá của thuốc biệt dược, thuốc gốc, generic của những bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường thì thuốc của Việt Nam chúng ta thấp hơn 10%. so với giá thuốc 6 nước trung bình ASEAN. Trong khi giá thuốc của các nước khác như Philippin, Thái Lan cũng đều cao hơn nước ta từ 19% đến 37%. Riêng đối với thuốc generic so với các nước trong ASEAN thì Việt Nam thấp hơn đến 33%, trong khi Philippin và Indonexia cao hơn 72% và 20%.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến chất vấn

Cho rằng thị trường thuốc trong nước đang bị loạn giá, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay tại các cửa hàng, quầy thuốc tây trên khắp cả nước, các loại dược phẩm điều trị bệnh, thực phẩm chức năng được quảng cáo, rao bán tràn lan. Trong khi đó, có nơi niêm yết giá, có nơi thì không. Hơn nữa, đã có tình trạng một sản phẩm cùng chủng loại mà giá niêm yết mỗi nơi lại khác nhau, không đồng nhất. Bên cạnh đó, tình trạng các quầy thuốc nhập thuốc vào với giá thấp, nhưng giá bán ra lại cao hơn rất nhiều lần để thu lợi nhuận lớn, gây thiệt thòi cho người bệnh và ngân sách nhà nước. Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng Bộ Y tế cần có giải pháp cụ thể về quản lý giá thuốc để đảm bảo người bệnh không bị thiệt thòi do mua thuốc với giá không hợp lý, kể cả thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu. Đại biểu cho biết, cử tri nhiều nơi phản ánh, giá nhập khẩu thuốc có khoảng cách chênh lệch khá xa so với giá bán tại các quầy thuốc, kể cả ở bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Ảnh: Đình Nam

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, phản ánh giá thuốc loạn có thể đúng hoặc không đúng. Bởi hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 11 về giá thuốc. Theo đó danh mục giá thuốc sẽ được phân ra 03 loại. Loại thứ nhất là thuốc trong bệnh viện công lập dùng qua bảo hiểm chi trả; loại thứ hai là các quầy thuốc trong bệnh viện công lập và loại thứ ba là quầy thuốc bán lẻ ngoài bệnh viện.

Đối với quầy thuốc trong bệnh viện, Bộ Y tế đã thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế để đưa ra giá tham chiếu, cao nhất và thấp nhất sử dụng trên toàn quốc. Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đã quản lý khá tốt khu vực quầy thuốc này. Đối với các quầy thuốc bán lẻ, Bộ trưởng cho rằng, cần tôn trọng giá bán theo thị trường “Dựa trên giá kê khai, người tiêu dùng có thể chọn lựa quầy thuốc có giá bán phù hợp, quầy nào bán giá rẻ hơn thì có nhiều người mua và tạo ra sự cạnh tranh”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận giá thuốc bán lẻ thực tế có thể có sự chênh lệch rất nhiều. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp cơ quan chức năng các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn bị vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, giá thuốc cao tập trung ở nhóm biệt dược, do vấn đề bản quyền. Hiện có gần 700 biệt dược có bản quyền, Bộ Y tế sẽ nắm bắt nhu cầu và tổ chức đàm phán giá với đối tác cung cấp. Với gần 500 biệt dược gần hết bản quyền, Bộ sẽ đưa vào đấu thầu, phương thức này sẽ giúp giảm được giá thuốc nhiều trong thời gian sắp tới. Trong thời gian qua, dù giá thuốc có tăng, thì Bảo hiểm xã hội- nơi quản lý quỹ mới là cơ quan phải trả tiền. Bộ trưởng cho biết, nhờ phương thức quản lý chặt chẽ, chi phí của Quỹ bảo hiểm y tế cho thuốc đã giảm trung bình khoảng 30%.

Nguồn quochoi.vn