Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý, tổ chức lễ hội

Sáng 14/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong nước, nhiều đại biểu yêu cầu Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi chưa loại bỏ dứt điểm các hành vi, nghi lễ có tính chất bạo lực, phản cảm tại các lễ hội thời gian qua.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về việc quản lý, tổ chức lễ hội trong nước thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận cho rằng, các giải pháp mà Bộ đã triển khai nhằm chấn chỉnh những hành vi phản cảm làm ảnh hưởng đến ý nghĩa các lễ hội thời gian qua thực tế không mang lại hiệu quả, khiến dư luận xã hội đang rất bức xúc. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình và làm rõ nguyên nhân chính của tình trạng này và hướng khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, TT và DL

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận cũng phản ánh, ở Việt Nam, bên cạnh một số lễ hội dân gian có tính chất bạo lực như lễ hội chém lợn, đâm châu, cướp lộc gây phản cảm, làm méo mó và làm xấu đi nét truyền thống văn hóa dân tộc, ở một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng đánh nhau, trộm cắp, mê tín, cờ bạc, rượu chè, lợi dụng để thu tiền trái phép… Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ trách nhiệm của địa phương đến đâu và trách nhiệm của Bộ với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đến đâu.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, nhìn chung gần 8000 lễ hội, nhất là lễ hội những ngày đầu xuân trên cả nước đều diễn ra an toàn, trật tự và văn hóa; các loại hình lễ hội được tổ chức tốt hơn; các lễ hội phản cảm ở Bắc Ninh, Phú Thọ và nhiều nơi khác đã giảm bớt hành vi phản cảm. Hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị tổ chức để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh bất cập để lễ hội diễn ra tiết kiệm, an toàn, văn minh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận trong những năm vừa qua vẫn còn tồn tại một số lễ hội có những biểu hiện phản cảm, gây bức xúc, không phù hợp với phong tục truyền thống của Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, sau khi mùa lễ hội 2015 kết thúc, Bộ đã phối hợp với với nhiều bộ ngành khác, cùng các địa phương quán triệt tinh thần tổ chức lễ hội làm sao đảm bảo tiết kiệm, an toàn, giữ nét đẹp văn hóa. Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công điện chấn chỉnh vấn đề này. Trong mùa lễ hội 2017, các lễ hội phản cảm đã giảm bớt như lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh)- năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết đình Đông Quan (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không còn nội dung cướp phết mà chỉ còn nội dung trình diễn nghi lễ; Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi để đảm bảo an toàn; Lễ hội cầu trâu Phú Thọ không còn tổ chức nghi lễ đập đầu trâu, mà thay bằng nghi lễ thực hành trình diễn; Lễ hội tại Quảng Nam cũng bỏ tục đâm trâu; Lễ hội Đền Trần (Thái Bình) không còn tổ chức phát ấn như các mùa trước; Các lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Trần (Nam Định) cũng đã được tổ chức tốt hơn...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn tại hội trường Ảnh: Đình Nam

Để giảm bớt các nội dung không đẹp trong lễ hội, chính quyền các địa phương cũng đã vào cuộc, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với các cộng đồng tổ chức lễ hội để thống nhất bỏ các yếu tố phản cảm trong lễ hội như thời gian vừa rồi.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về tổ chức lễ hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, giá trị của lễ hội để các địa phương, người dân có ý thức tốt khi tham gia lễ hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ giao cho Bộ xây dựng Nghị định về quản lý lễ hội, vì hiện nay chưa có nghị định cụ thể nào điều chỉnh các loại hình lễ hội ở nước ta.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ thêm, về phương diện quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, còn chính quyền địa phương quản lý về an ninh trật tự trong các lễ hội.

Nguồn quochoi.vn