Bảo tồn văn hóa phi vật thể Hò Bả trạo

(NTO) Hò Bả trạo là loại hình nghệ thuật dân gian có truyền thống lâu đời ở các làng biển. Hò Bả trạo đi kèm các động tác múa, “bả” có nghĩa là nắm chắc, “trạo” có nghĩa là mái chèo. Hò Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư là cách để ngư dân-những người có cuộc sống, sinh mạng gắn liền với mênh mang sóng nước cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, cá đầy khoang, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Với ý nghĩa này, Hò Bả trạo không chỉ là hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà còn là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ngư dân. Ở tỉnh ta, tại làng biển Mỹ Nghĩa, phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) còn lưu giữ lại loại hình văn hóa phi vật thể này.

Theo tục lệ cổ truyền, đúng vào tháng tư Âm lịch, Ban quản lý Đình-Lăng Mỹ Nghĩa và ngư dân khu phố 7, 8 của phường Mỹ Đông lại tổ chức Lễ hội Cầu ngư. Trong ngày rước sắc đi qua Lăng Hải Chử, Đình Tân Thành và Cảng Đông Hải, ngư dân trong làng được tận mắt thấy đội Hò Bả trạo biểu diễn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Ban tổ chức (BTC) Lễ hội Cầu ngư Đình-Lăng Mỹ Nghĩa, cho biết: Trong nghi lễ, Hò Bả trạo đóng vai trò phần “cốt lõi”. Bởi ngoài ý nghĩa cầu an, hay nói khác hơn thông qua nghi thức Hò Bả trạo ngư dân mong muốn “ông” Nam Hải (cá voi) và Ngũ Hành Thần nữ sẽ che chở, phù hộ mang đến một mùa màng bội thu, một cuộc sống ấm no cũng như thể hiện lòng thành kính của ngư dân đối với công đức của những người đến đây lập làng. Qua đó, gia tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng, giúp ngư dân vững vàng ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 
Hò Bả trạo được trình diễn trong Lễ hội Cầu ngư tại Đình-Lăng Mỹ Nghĩa.

Ông Võ Khôi Viên, thành viên BTC Lễ hội Cầu ngư Đình-Lăng Mỹ Nghĩa, cho biết: Hò Bả trạo đã tồn tại trên 100 năm, có “gốc” từ ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Khi vào lập làng định cư, đa phần ngư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề biển và dựa vào thúng, thuyền, “định vị” của trăng, sao để ra khơi xa chèo lái đánh bắt. Thường thì một đội chèo gồm có khoảng 20 “bạn”, chèo lên hai bên và có một tổng lái, một tổng mũi, một tổng thương, thể hiện các hoạt động, cách đánh bắt của ngư dân thời xưa; đồng thời động viên, cổ vũ tinh thần các bạn chèo vượt qua sóng gió bằng các bài trình bày theo lối vịnh, hò, xướng...

Năm 2015, Hò Bả trạo được UBND tỉnh công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Tuy nhiên, loại hình diễn xướng dân gian này đang gặp những khó khăn trong công tác bảo tồn cũng như phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: Các bậc tiền bối truyền nghề có tâm huyết, trách nhiệm, am hiểu, tinh thần cống hiến hầu như tuổi đã lớn; còn về phía thành viên tham gia đội chèo, nhất là lớp trẻ vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa của Hò Bả trạo như nội dung bài hát, các hình thức diễn xướng dân gian… do vậy, đôi lúc diễn xuất mang tính ngẫu nhiên, chưa lột tả sâu sắc chất “hồn” tinh tế của nhân vật trong bổn (bản) Hò Bả trạo… Ông Nguyễn Văn Đồng lý giải: Do Hò Bả trạo xuất phát từ đời sống của ngư dân, mô phỏng cuộc sống qua lời ca, tiếng nhạc. Do đó người nghệ sĩ của biển-người hát bả trạo phải đồng thời là ngư dân dãi dầu mưa nắng, bám biển, hiểu từng con gió, thấu từng ngọn sóng. Điều này mới giúp niềm vui, nhiệt huyết của người con miền biển được gửi gắm linh thiêng và thể hiện trọn vẹn qua lời hát bả trạo. Thế nhưng, nghề đi biển hiện nay không còn như trước, ngư dân thường đóng tàu và thuê bạn đi biển chứ không trực tiếp ra khơi, thế hệ trẻ không tiếp nối truyền thống của cha ông nên không hiểu hết được giá trị văn hóa-âm nhạc đích thực trong làn điệu bả trạo, dẫn đến mai một.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỳ, Phó Phòng Di sản văn hoá, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), cho biết: Trước mắt, ngành VH,TT&DL đang kêu gọi những người có tâm huyết, kinh nghiệm lâu năm tại các làng biển, nhất là các thành viên trong BTC Lễ hội Cầu ngư Đình-Lăng Mỹ Nghĩa tiếp tục truyền dạy, đào tạo cho thế hệ trẻ để bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể Hò Bả trạo. Chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu bảo tồn và khai thác di sản văn hóa dân gian này. Ngoài ra, kinh phí dành riêng để hỗ trợ bảo tồn Hò Bả trạo của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hiện nay, ngành đang tham mưu tỉnh lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa Hò Bả trạo vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, từ đó sẽ có thêm kinh phí để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian này.