Giải pháp thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp công nghệ cao

(NTO) Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; giá trị 1 ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt từ 300 triệu đồng trở lên/năm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho 2-3 doanh nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo những người làm chuyên môn, để đạt được mục tiêu, ngay từ bây giờ cần có hướng đi cụ thể, với những giải pháp khả thi.

Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hoạt động của doanh nghiệp chuyển biến tích cực một phần nhờ tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 08/2015/NQ-HĐND ngày 20-7-2015 về quy định chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Điểm nổi bật của Nghị quyết là tập trung ưu tiên, xem xét hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ những động thái tích cực này, đã “mở đường” cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển giao các mô hình tạo sản phẩm hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đến nay, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận Doanh nghiệp KH&CN. Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ Công ty TNHH Linh Đan (hoạt động ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm măng tây xanh) để đến cuối năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp KH&CN, đạt mục tiêu của Nghị Quyết 05- NQ/TU.

 
Sản phẩm măng tây xanh của nông dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) được nhiều du khách ưa chuộng.  Ảnh: V.M

Có thể nói, việc xây dựng Doanh nghiệp KH&CN theo chủ trương của Tỉnh ủy đang diễn ra suôn sẻ, nhiều khả năng về “đích sớm” trước thời hạn, khi đó doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là hạt nhân làm động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu nâng cao tỷ trọng giá trị đơn vị đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang mắc “điểm nghẽn” đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ bây giờ của ngành chức năng, các địa phương may ra mới đạt được. Tại cuộc họp nghe báo cáo dự thảo các nội dung liên quan đến lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp do UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 5 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Nhiệm kỳ 2016-2020 đã đi được gần nửa chặng đường, để đạt mục tiêu nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 20-25%, các ngành chức năng cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, theo lộ trình từng năm nhất định.

Nhìn lại hoạt động sản xuất nông nghiệp thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, hình thành được các vùng cây trồng hàng hóa, giá trị đơn vị sản xuất tăng cao. Cụ thể, đối với cây lúa, tỉnh đã chỉ đạo đổi mới phương thức canh tác theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa sạch, lúa giống tạo “đột phá” về năng cao giá trị gia tăng. Nhiều loại cây trồng có lợi thế như nho, táo, măng tây xanh, nha đam… sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị 1 ha đất có thể đạt 1 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với mục tiêu của Nghị quyết 05 đề ra. Tuy nhiên, các mô hình cho thu nhập cao cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, cho nên để nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao “câu chuyện” lại bắt đầu từ quy hoạch vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng đặc thù của tỉnh.

Theo báo cáo, hiện tại diện tích vùng sản xuất công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là 720 ha, tỷ trọng giá trị chiếm khoảng 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 20-25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2020, tỉnh đã Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 12 khu sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích 1.640 ha; 4 vùng sản xuất nho, táo công nghệ cao với tổng diện tích 700 ha; 2 vùng chăn nuôi bò công nghệ cao với tổng diện tích 150 ha, tổng đàn khoảng 6.000 con; 2 vùng chăn nuôi dê, cừu công nghệ cao với tổng diện tích 250 ha, tổng đàn khoảng 17.000 con; 3 vùng nuôi thủy sản thương phẩm công nghệ cao, với tổng diện tích 200 ha, sản lượng hàng năm đạt từ 2.500-3.000 tấn. Giải pháp để thực hiện có hiệu quả các vùng quy hoạch là thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực này để hình thành mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.