Giúp học sinh học tốt hóa học hữu cơ

Phát huy tốt phương pháp dạy học tích cực, đưa vào bài giảng các hiện tượng hóa học gắn với thực tế cuộc sống là giải pháp cô Nguyễn Thị Út - giáo viên Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) - chia sẻ nhằm giúp học sinh không chỉ học tốt mà còn hứng thú với các bài học về hóa học hữu cơ.

 
HS Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) trong giờ học HS Trường THPT Phú Điền (Đồng Tháp) trong giờ học

Kĩ thuật tia chớp

Để kiểm tra việc chuẩn bị nội dung bài học của học sinh, cô Nguyễn Thị Út cho biết thường sử dụng kỹ thuật “tia chớp”, gọi bất kì học sinh nào lên phát biểu những nội dung có liên quan đến nội dung mà giáo viên đã gửi trước đó.

Ví dụ, khi dạy bài Ancol (Hóa học hữu cơ 11), giáo viên yêu cầu học sinh đứng lên trả lời những cụm từ, tính chất, ứng dụng có liên quan đến ancol. Từ các câu trả lời đó, giáo viên chọn lọc cụm từ, nội dung đúng, cần thiết, hữu ích nhằm phục vụ cho nội dung bài giảng phong phú hơn, ít khô khan hơn.

“Với nội dung ancol trên, tôi chọn cụm từ “chất lỏng hoặc rắn”, “ễ bay hơi”,... để nói về tính chất vật lý ancol, đồng thời giáo dục cho các em cách bảo quản ancol. Hoặc “sát khuẩn”, “đốt, nguyên liệu”,... đó là những ứng dụng cơ bản mà học sinh gặp hằng ngày. Từ cách làm trên, tôi cảm thấy vào tiết học, học sinh hứng thú hơn, tích cực phát biểu hơn” – cô Nguyễn Thị Út chia sẻ.

Sử dụng nhiều hình ảnh minh họa mang tính thực tế

Hóa học ứng dụng rất nhiều trong thực tế, nhưng nếu giáo viên chỉ dạy lý thuyết suông thì học sinh rất khó tiếp cận. Do đó, cô Nguyễn Thị Út cho rằng, khi giảng dạy, giáo viên phải cập nhật nhiều câu hỏi thực tế và hình ảnh mang tính chất minh họa những nội dung cần truyền đạt đến học sinh.

Cụ thể, khi dạy bài Saccarozo - Tinh bột 9 Xenlulozo (Hóa học 12), liên quan đến nội dung tinh bột, giáo viên đặt câu hỏi: Vì sao gạo nếp lại dẻo và đưa hình ảnh minh họa.

Hoặc khi dạy Bài Ancol - Hóa học 11, giáo viên có thể hướng dẫn cho học sinh hiểu được các thông số thường gặp trên nhãn mác chai rượu.

“Từ những việc làm trên, tôi nhận thấy không chỉ giáo viên được nâng cao hiểu biết về những giá trị hóa học ứng dụng trong thực tế mà còn giúp học sinh có kĩ năng cơ bản nhất trong cuộc sống, thấy được mối liên quan giữa lý thuyết và ứng dụng thực tế, từ đó các em yêu thích bộ môn Hóa học hơn” – cô Út chia sẻ.

Xây dựng hệ thống câu hỏi mang hơi thở cuộc sống

Cô Nguyễn Thị Út cho rằng, trước khi lên lớp, giáo viên phải chuẩn bị chu đáo từ kiến thức đến các câu hỏi vận dụng trong thực tiễn. Các câu hỏi này, người dạy cần phối hợp với nhóm chuyên môn để thẩm định và có câu trả lời theo hướng khách quan, dễ hiểu và khoa học nhất.

Ví dụ: Khi bắt đầu dạy bài Saccarozơ - Tinh bột - Xenlulozơ, giáo viên yêu cầu học sinh về nghiên cứu và tìm câu trả lời cho câu hỏi: Chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm gì từ cây mía? (Từ cây mía có thể làm ra nước uống, đường, xác mía làm giấy, nguyên liệu tráng ruột phích)

Hay trong quá trình dạy bài Glucozơ - Fructozơ, giáo viên đặt vấn đề yêu cầu học sinh về nhà nghiên cứu, trả lời: Tại sao khi ăn dưa hấu ta có cảm giác đầu lưỡi mát lạnh? (Khi ăn dưa hấu, tức là tạo dung dịch glucozơ trên lưỡi, sự phân bố các phân tử đường trong quá trình hòa tan là quá trình thu nhiệt, do đó ta cảm thấy đầu lưỡi mát lạnh. Không chỉ ăn dưa hấu, mà khi chúng ta ăn đường cũng có cảm giác tương tự như thế).

Hoặc chuẩn bị cho bài Ankin (Học hữu cơ 11), giáo viên có thể đưa tình huống: Vì sao ném đất đèn (khí đá) xuống ao thường làm cá chết?

Ngoài những nội dung mà giáo viên cho về nhà chuẩn bị, học sinh có thể đặt câu hỏi liên quan đến phần giáo viên yêu cầu; trên cơ sở đó, kích thích tinh thần học hỏi, tự tìm tòi kiến thức.

Cách làm này giúp cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ kiến thức, đồng thời biết được hóa học hữu cơ có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống. Thông qua trả lời câu hỏi, các hiện tượng thực tế đặt ra sẽ giúp cho học sinh thấy được tầm quan trọng của hóa học hữu cơ trong đời sống hằng ngày, từ đó không cảm thấy hóa học hữu cơ là môn học khó chiếm lĩnh kiến thức.

"Để học tốt hóa học hữu cơ nói riêng, môn Hóa học nói chung, đòi hỏi học sinh phải chịu khó nghiên cứu trước nội dung bài học, tự tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức, tự tìm cho mình câu trả lời thông qua bài giảng của giáo viên; dần dần thay đổi cách học, từ học vẹt sang học khắc sâu kiến thức.

Đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, cần nắm vững nội dung chương trình và bám vào chuẩn kiến thức kĩ năng; tăng cường đổi mới phương pháp theo hướng tích cực, lồng ghép

các tình huống thực tế đặt ra; đặc biệt giải quyết tình huống thực tế đặt ra. Làm sao để cho “học” là quá trình kiến tạo (tìm tòi, khám phá, phát hiện, khai thác và xử lí thông tin, học sinh tự mình hình thành hiểu biết, năng lực và phẩm chất) ; “dạy” là quá trình tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh (cách tự học, sáng tạo, hợp tác, dạy phương pháp và kĩ thuật lao động khoa học, dạy cách học)…" - Cô Nguyễn Thị Út

Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại