Tư vấn kỹ năng ôn tập và làm bài thi môn Giáo dục công dân

(NTO) Chỉ còn 2 tuần nữa, kỳ thi 2 trong 1 xét tốt nghiệp bậc THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học sẽ diễn ra. Đây là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân (GDCD) được đưa vào kỳ thi quan trọng này nên vẫn còn rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ đối với các em học sinh (HS).

Cô giáo Đỗ Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ GDCD, Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: Với môn GDCD dù “xuất phát” muộn, nhưng nếu “chạy đà” chắc các em vẫn có thể yên tâm để làm bài. Đề thi minh họa lần 3 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua đã giúp cho thầy, cô giáo và học sinh (HS) định hướng lại một lần nữa về cách ra đề và làm bài thi. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong dạy, học và ôn luyện. Có thể thấy rằng, về mặt cấu trúc, đề thi lần 3 vẫn giữ nguyên tỷ lệ phân bố câu hỏi gồm: 30% câu hỏi nhận thức, yêu cầu HS nắm được kiến thức cơ bản; 30% hiểu để phân tích, so sánh, đánh giá được các đơn vị kiến thức trong bài học; 30% vận dụng thấp nhằm vận dụng kiến thức để nhận xét, đánh giá các tình huống đơn giản và 10% vận dụng cao với yêu cầu sáng tạo, tổng hợp kiến thức để giải quyết các tình huống khó, phức tạp trong thực tế. So với lần 1 và lần 2, đề tham khảo lần này không có tính chất đánh đố, mức độ phân hóa từ dễ đến khó rất rõ ràng, giúp HS làm bài thuận lợi hơn. Tuy nhiên, mức độ khó của đề lại cao hơn. Có những câu hỏi bắt buộc HS phải đọc kỹ, suy nghĩ kỹ và phải hiểu sâu nội dung bài học kết hợp với khả năng tư duy vận dụng kiến thức tốt vào thực tế mới chọn được đáp án đúng.

 

Giờ ôn tập môn GDCD ở Trường THPT Tôn Đức Thắng.

Để yên tâm bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới, cô Đỗ Thanh Bình cho rằng: Ngoài việc nắm chắc các kiến thức cơ bản, các em còn phải chú ý vào các đơn vị kiến thức nhỏ vì câu hỏi trắc nghiệm là hỏi từng ý nhỏ của bài học. Học nhóm là phương pháp tốt nhất để ôn tập môn GDCD hiệu quả cao vì ở đó sự việc, vấn đề được đưa ra bàn thảo ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau giúp các em có cái nhìn toàn diện, đưa ra những đánh giá chính xác và khách quan hơn. Để hệ thống hóa kiến thức, các em nên sử dụng sơ đồ tư duy đối với môn học này. Nó đáp ứng được yêu cầu ngắn gọn nhưng đầy đủ, cụ thể. Trong quá trình làm bài, HS nên đọc kỹ đề, xác định đúng các dữ liệu đề cung cấp, yêu cầu của đề để lựa chọn đáp án đúng nhất. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Nội dung môn GDCD lớp 12 là kiến thức pháp luật nên từ ngữ có độ chính xác cao, HS cần hiểu và phân biệt nghĩa các từ ngữ pháp luật mới lựa chọn được phương án chính xác. Với các câu hỏi tình huống có nhiều sự kiện, nhân vật cần đọc kỹ để tránh nhầm lẫn giữa các tình tiết, nhân vật với nhau. HS chú ý lựa chọn phương án giải quyết trong câu hỏi tình huống sao cho phù hợp nhất với các quy định của pháp luật chứ không phải là quan điểm của riêng cá nhân mình.

Cô Bình nhận định và chia sẻ thêm: Có khả năng đề THPT quốc gia sắp tới độ khó sẽ cao hơn, đòi hỏi phải nắm chắc, sâu và vận dụng tốt kiến thức nên các em không nên lơ là, chủ quan mà tăng cường thêm việc làm các đề thi minh họa, giải các bộ đề để vừa ôn tập lại kiến thức vừa rèn luyện kỹ năng làm bài.

Hi vọng rằng, với những lời khuyên hữu ích trên, các em sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi tới.