Đối thoại Shangri-La 16: Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, sau 3 ngày nhóm họp, Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 đã khép lại với nhiều tuyên bố, cam kết được đưa ra mà bao trùm đó là việc duy trì hòa bình, an ninh của khu vực phải dựa trên việc tuân thủ các cam kết, luật lệ quốc tế.

Với nhiều thách thức an ninh đang nổi lên, đây là lần đầu tiên diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực thu hút một lượng đông đảo trên 500 đại biểu đến từ hơn 40 nước tham dự; trong đó có các bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand... Điểm nổi bật lần này tại diễn đàn đó là các vấn đề được nêu lên không né tránh, không lẫn lộn giữa các yếu tố, trong đó thách thức an ninh được đề cập nổi lên bao gồm Biển Đông, an ninh biển, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay chống khủng bố và an ninh mạng. 

Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN chụp ảnh chung sau cuộc họp bên lề Đối thoại Shangri-La
ở Singapore ngày 4/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong các thách thức nổi lên ở khu vực, việc kết hợp xử lý các vấn đề mang tính nguyên tắc và thể hiện lập trường rõ ràng trong xử lý vấn đề Triều Tiên và an ninh biển là hai nội dung được đại diện các nước đề cập với một quan điểm rõ ràng và thẳng thắn.

Nếu như tại các lần đối thoại trước đây thường các quốc gia chỉ đề cập tới những thách thức an ninh trong khu vực, tại diễn đàn lần này, các nước đã tập trung bàn thảo và đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ hơn, đề cao hơn việc tôn trọng luật pháp quốc tế và trên hết là nhất trí chung tay, hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. 

Đối thoại Shangri-La lần này cũng khẳng định vai trò không thể phủ nhận của các nước lớn đối với tình hình an ninh khu vực bởi họ có tầm ảnh hưởng và các hành động hay chính sách của họ có tác động lan tỏa khắp khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản, Ấn Độ... cần phải hành xử một cách có trách nhiệm hơn, có hành động hợp tác và tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác và không được có hành động đơn phương, chỉ  tính tới lợi ích của mình mà “làm ngơ” lợi ích của các nước khác, đặc biệt là các quốc gia vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng cần phải có cơ chế đối thoại và hợp tác với nhau để quản lý những bất đồng giữa các cường quốc, cũng như giữa các cường quốc với các quốc gia nhỏ hơn... làm sao định hình được khuôn khổ để có sự tương tác với nhau. 

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh thừa nhận bất chấp những nỗ lực trong việc duy trì một khu vực yên bình, an toàn và ổn định thì các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gây ra những rủi ro đáng kể và đe dọa sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã liên tục tăng cường hợp tác khu vực thông qua nhiều cơ chế liên quan đến an ninh, bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tội phạm  xuyên quốc gia, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, các phiên họp Bộ trưởng Quốc   phòng ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á... Các cơ chế  này tập trung vào việc giải quyết các thách thức an ninh hiện tại và mới nổi mà khu vực  đang phải đối mặt, từ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực đến an ninh mạng, buôn bán người, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển... 

Theo ông Lê Lương Minh, một bài học quan trọng mà ASEAN đã học được trong những năm qua là những thách thức an ninh phức tạp và đa chiều hiện nay không thể chỉ được giải quyết bởi một quốc  gia. Các vấn đề xuyên quốc gia và xuyên biên giới cần được giải quyết chung. Các quốc  gia phải có khả năng thích ứng và thay đổi mô hình cũng như quan điểm của mình trong việc đối phó với những thách thức này.

Theo TTXVN