Đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử

(NTO) Trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu kịp thời UBND tỉnh triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin gắn với bảo mật dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh hạ tầng thông tin và truyền thông, góp phần phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, từng bước đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử, tiến tới hiện đại hóa nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Cán bộ Sở Thông tin và truyền thông quản lý, ứng dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Theo báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, 100% các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và cấp xã đã có mạng nội bộ (LAN) và có tuyến cáp quang kết nối Internet; hệ thống hạ tầng cơ sở tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư 16 máy chủ, 3 thiết bị lưu trữ dữ liệu, 2 thiết bị tường lửa, 2 thiết bị phòng chống thư rác, 1 thiết bị phòng chống tấn công web, phòng chống virus cùng với hệ thống giám sát, 2 đường truyền Internet trực tiếp tốc độ cao (150 Mps trong nước, 4 Mbps đi quốc tế) đáp ứng truy cập nhanh các ứng dụng dùng chung trong toàn tỉnh, đảm bảo bảo mật, an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cơ quan triển khai thực hiện Hệ thống một cửa hiện đại: Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO), UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND huyện Thuận Nam, UBND huyện Ninh Phước. Trong năm 2016, số lượng hồ sơ đã tiếp nhận và xử lý qua hệ thống là 14.390 hồ sơ (trong đó UBND thành phố 11.310 hồ sơ, EDO 550 hồ sơ, UBND Thuận Nam 285 hồ sơ, UBND Ninh Phước 2.145 hồ sơ). Qua đó, giúp cho các cá nhân, tổ chức dễ dàng tra cứu tình hình xử lý hồ sơ, giúp cơ quan quản lý nhà nước điều hành hoạt động một cách khoa học, tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thực hiện thủ tục hành chính.

Đối với triển khai phần mềm TD.Office: 100% các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện đã sử dụng ổn định và hiệu quả phần mềm TD.Office phục vụ quản lý văn bản và điều hành xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả; việc kết nối liên thông giữa Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Chính phủ đã được thực hiện gửi nhận văn bản qua phần mềm chính thức từ ngày 27-4-2016. Trong năm 2016, đã có trên 26.671 văn bản trao đổi qua mạng giữa UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; riêng tại các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã số hóa trên 236.500 văn bản đến và 94.560 văn bản đi, nhờ đó, giúp tiết kiệm văn phòng phẩm, chi phí gửi qua đường bưu điện ước khoảng 900 triệu đồng.

Đến nay, Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã tích hợp 18 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành, 7 trang thông tin điện tử của UBND các huyện, thành phố và 22 trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, đoàn thể, tạo môi trường giao tiếp, công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 97 thủ tục hành chính thuộc dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Số lượng hồ sơ giải quyết qua mạng thông qua các phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các cơ quan hành chính đạt trên 7.950 hồ sơ. Công an tỉnh cấp tài khoản truy cập cho 77/127 cơ sở kinh doanh thực hiện khai báo lưu trú qua mạng; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh tại Văn phòng UBND tỉnh và UBND 6 huyện đã hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu phục vụ các cuộc họp của UBND tỉnh; hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp ổn định, nhanh chóng cho tất cả các cơ quan trong tỉnh, cho từng CBCC,VC với dung lượng lớn; nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan trong tỉnh đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực…

Cán bộ xã Cà Ná, Thuận Nam ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

Với những kết quả trên, đã nâng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index) 2016 của tỉnh ta lên vị trí thứ 32/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 4 bậc so với năm 2015. Trong công tác đánh giá, phân loại kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2016 đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thì Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu, đạt 1.012 điểm.

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Tiếp tục phát huy kết quả thực hiện trong thời gian qua, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới cần tập trung các nội dung: Xây dựng Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận với các cấu trúc nền tảng chia sẻ, dùng chung của tỉnh đảm bảo triển khai kịp thời Chính quyền điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ; triển khai tích hợp chữ ký số trên phần mềm Văn phòng điện tử TD.Office nhằm đảm bảo tính pháp lý và tiết kiệm chi phí, thời gian trong quá trình gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời thực hiện việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đảm bảo thông suốt ở cả 4 cấp (từ Trung ương đến cơ sở); xây dựng và triển khai mở rộng dịch vụ công trực tuyến của mô hình Chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước, đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn về việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử và các Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu cung cấp, minh bạch thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin đảm bảo vận hành, quản lý hiệu quả mạng tin học và phối hợp triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin cũng như xử lý các sự số về an toàn an ninh thông tin; triển khai “Hệ thống một cửa hiện đại” và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại các huyện: Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Bác Ái nhằm đảm bảo 100% các huyện, thành phố đều có hệ thống một cửa hiện đại... Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai chính quyền điện tử, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành linh hoạt, khoa học, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, minh bạch, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới…