Những người “Gieo chữ” vùng cao

Chứng kiến tận mắt đời sống và công việc của các thầy, cô giáo, mới thấy được nghị lực và tấm lòng yêu thương học sinh của những người “gieo chữ” ở nơi này.

Những búp mai vàng trước nhà bắt đầu hé nụ báo hiệu thêm một mùa xuân mới lại về. Trong không khí chộn rộn, hối hả của những ngày cuối năm, chúng tôi ngược lên vùng cao Phước Chiến (Thuận Bắc), chứng kiến tận mắt đời sống và công việc của các thầy, cô giáo, mới thấy được nghị lực và tấm lòng yêu thương học sinh của những người “gieo chữ” ở nơi này.

Từ xã Công Hải, chúng tôi rẽ vào con đường dưới chân núi Giác Lan vượt chặng đường dài hơn 30 cây số đến thăm các thầy, cô giáo xã vùng cao Phước Chiến. Do bị ảnh hưởng từ đợt lũ đầu tháng 11 năm 2010, nên nhiều đoạn đường đất đá lởm chởm đi lại khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Chiến, cũng là người bạn đồng hành trong chuyến đi, nhìn tôi cười nói: “Đường sá như thế này là tốt lắm rồi đấy! Cách đây chỉ vài năm, con đường này toàn "ổ gà, ổ voi". Vào mùa này, gió chướng bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, có khi không đi được. Muốn đến trung tâm xã cũng phải mất vài giờ đồng hồ. Bây giờ đường được xây dựng mới, từ quốc lộ 1A chỉ cần chạy xe hơn nửa tiếng đồng hồ là đã tới xã rồi”.

Tháng chạp, Phước Chiến hoa mơ nở trắng rừng. Từ cổng trường đã nghe tiếng giảng bài của các thầy, cô giáo Trường THCS Phước Chiến. Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất, nên đời sống bà con ở địa phương cũng được cải thiện lên nhiều. Toàn xã hiện có gần 60 cán bộ, giáo viên (CB-GV), công tác tại 3 trường học (1 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS) với tổng số gần 547 học sinh, trong số đó có tới 98% học sinh là con em dân tộc Ra glai. Đa số CB-GV công tác ở đây đều là người từ những địa phương khác đến. Đầu năm 2009, Trường THCS Phước Chiến được đầu tư xây mới hai tầng, với 12 phòng học, đồng thời xây thêm khu nhà ở công vụ gồm 12 phòng ngay cạnh trường phục vụ chỗ ở cho cán bộ, giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Đào cho biết: “Trước đây các thầy, cô giáo phải thuê nhà hoặc ở tạm tại nhà dân nên rất khó khăn trong sinh hoạt. Riêng đối với Trường THCS Phước Chiến chỉ có 5 phòng, trong đó có 3 phòng học, 2 phòng còn lại vừa là nơi làm việc của nhà trường, vừa làm chỗ ở tạm cho một số thầy cô giáo ở lại trường. Thiếu phòng học, nhà trường phải mượn thêm 2 phòng của trường Mẫu giáo Phước Chiến cách đó 200m cho các em học tạm. Từ khi được xây trường mới khang trang và nhà ở công vụ đã giúp thầy, cô giáo yên tâm công tác, vì vậy chất lượng giáo dục của xã cũng được nâng lên”.

Tuy nhiên, đối với đội ngũ CB-GV ở đây cũng còn nhiều vất vả. Trường THCS Phước Chiến hiện có 111 học sinh, đang theo học ở 5 lớp; 18 CB-GV, trong đó 10 GV trực tiếp đứng lớp. Do không đủ biên chế nên ngoài môn học chính, mỗi thầy, cô giáo phải kiêm thêm ít nhất một môn học phụ. Lịch làm việc mỗi ngày của các thầy, cô giáo vì vậy cũng dày hơn: buổi sáng lên lớp, buổi chiều dạy phụ đạo, tối đến từng nhà trò chuyện với phụ huynh học sinh, động viên các em chuyên cần đến lớp, trở về lại soạn giáo án chuẩn bị cho các tiết học sáng mai. Thầy giáo Nguyễn Minh Khoa, Hiệu phó nhà trường tâm sự: “Với những giáo viên ở vùng cao thì công tác vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số là nhiệm vụ hết sức vất vả. Có khi các thầy, cô giáo phải đi hơn 10 cây số, trèo đèo, lội suối lên đến tận chòi rẫy của gia đình các em để vận động các em trở lại lớp, đến 9-10 giờ đêm mới về”.

Chúng tôi ghé vào nhà ở công vụ, hai cô giáo trẻ Bùi Thị Thu Vân và Đinh Thị Du Hải, cùng dạy Trường THCS Phước Chiến đang lúc ăn trưa. Căn phòng rộng chừng 20 m2, gạch hoa sạch bóng. Dù chưa một lần gặp gỡ nhưng hai cô giáo rất mừng và tíu tít đón khách. Bữa ăn của hai cô giáo đạm bạc với vài con cá nục kho và tô canh rau muống. Ở những xã miền núi như thế này thường không có chợ. Nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ những chuyến xe hàng lưu động của các tiểu thương từ miền xuôi đưa lên, do đó, hàng hóa cũng không được phong phú và tươi ngon bằng dưới xuôi, mà giá lại đắt hơn nhiều. Cô giáo Thu Vân kể: “Gia đình em ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Năm 2008, tốt nghiệp Trường CĐSP Ninh Thuận, em được phân công lên dạy học tại trường. Em xác định, khi lên đây cuộc sống sẽ rất khó khăn, vất vả, nhưng được các thầy, cô giáo đi trước giúp đỡ, động viên, học sinh yêu thương nên em cũng sớm hòa nhập và ổn định công tác.

Mỗi giờ lên lớp với em là thêm một niềm vui”. Khác với Thu Vân, quê của Du Hải ở tít huyện miền núi Ninh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Du Hải chia sẻ: “Nhớ lại những ngày đầu lên công tác, cứ mỗi chiều xuống ngồi bên cửa phòng trọ ôm gối nhìn xa xa triền núi lòng mình se thắt lại. Sao mà giống quê mình đến thế! Nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ anh chị quá, mình khóc ròng một tháng trời. Nhưng giờ thì quen rồi, tình đất, tình cô trò nơi đây níu chân mình ở lại”. Không chỉ có Thu Vân, Du Hải, đa số giáo viên nơi đây đều có chung suy nghĩ như thế cả. Thầy giáo Kiều Văn Chất, quê ở tận huyện Thuận Nam lên dạy học từ năm 2006, rồi bén duyên cùng cô nuôi dạy trẻ ở đây. Sinh con xong, thầy quyết định mua đất, làm nhà, ở lâu dài trên vùng cao Phước Chiến này. Thầy tâm sự: “Dù biết không như ở phố phường đô hội, cuộc sống khó khăn hơn nhưng đổi lại bà con, các em học sinh nơi đây rất nặng nghĩa tình. Hơn nữa, phải có những người kiên trì bám trường, bám lớp như chúng tôi thì công tác giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa mới phát triển lên được”.

Thế là một mùa xuân nữa lại về. Với lòng yêu nghề, và trên hết là trách nhiệm với thế hệ tương lai của những người đang “gieo chữ” ở vùng núi xa xôi này sẽ góp phần không nhỏ, chắp cánh ước mơ về một tương lai tươi sáng cho các em học sinh ở vùng căn cứ cách mạng năm xưa.