ĐBQH tranh luận về đấu giá biển xe

Thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) sáng 29-5, nhiều đại biểu Quốc hội đã “hiến kế” giải pháp đấu giá biển số xe, xử lý tài sản cho, tặng và sử dụng tài sản công tại đơn vị công lập nhằm quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu quả.

 
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) phát biểu thảo luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đấu giá biển số xe

Tham gia góp ý cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) cho rằng, nếu thực hiện đấu giá biển số xe có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, tránh thất thu và minh bạch hoá vấn đề này.

Ông Cảnh nói tại kỳ họp trước đại biểu đã góp ý về việc đấu giá biển số xe (không đấu giá biển xe công), Quốc hội đã tiếp thu vấn đề này. Tại phiên thảo luận ngày 29/5, đại biểu Cảnh bổ sung không chỉ biển số đẹp mà các biển số đều là tài sản công. Theo đó, việc biển số đẹp hay không đẹp là dựa vào nhu cầu xã hội và sẽ được quy định bằng văn bản dưới luật.

“Vì là tài sản công nên biển số xe đẹp sẽ được định giá đấu giá, tuỳ thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách Nhà nước và tính khả thi khi thực hiện. Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định một mức giá cụ thể”, đại biểu Cảnh phân tích.

Ông Cảnh tính toán, trong một seri 99.999 có 12.186 số đẹp, có 61.500 chủ phương tiện có nhu cầu biển số xe theo ngày sinh, ngày cưới... Nếu tổng kết lại thì có thể thu được 1.639 tỷ đồng. Với số lượng ô tô bán ra trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc thì chúng ta có thể thu được 5.000 tỷ đồng, nếu áp dụng với xe 2 bánh cũng sẽ thu được số tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, có đại biểu lại không đồng tình phương án này.

Tranh luận lại về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt vấn đề, ngoài biển số xe đẹp được Nhà nước mang đấu giá thì công dân có quyền từ chối biển xe xấu hay không? Công dân có quyền được chọn dãy số định danh cá nhân đẹp hay không? Vì thế, đại biểu Hồng không đồng tình việc đấu giá này.

Ngay sau khi đại biểu Hồng phát biểu, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tranh luận: Tại sao việc đấu giá có lợi cho dân hàng nghìn tỷ đồng lại không làm? Người dân mua biển số đẹp thì họ cũng có quyền chuyển nhượng số đó nếu không dùng nữa. “Việc gì có lợi cho dân thì nên kiên quyết làm. Việc đấu giá biển số xe đẹp đem lại ngân sách lớn sao lại không làm?”, đại biểu Phương nói.

Trước đó, giải trình vấn đề này, Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH cho biết UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung vào Khoản 6 Điều 4 của dự thảo Luật là “kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật”. Một số loại tài sản công (quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, vùng trời, vùng biển...) đã thuộc các nhóm tài sản thuộc cơ quan quản lý Nhà nước hoặc tài sản kết cấu hạ tầng hoặc tài nguyên. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép thể hiện tại các điều khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ quy định khai thác kho số phục vụ quản lý Nhà nước.

Không sử dụng ô tô, tài sản khác do tổ chức, cá nhân tặng không đúng mục đích

Về băn khoăn của các đại biểu đối với các hành vi bị cấm, nhất là đối với việc cho/biếu/tặng không đúng tiêu chuẩn (như ô tô) thời gian qua, dẫn đến phải trả lại các tài sản này cho các tổ chức, cá nhân đã cho/biếu/tặng, UBTVQH cho rằng, pháp luật hiện hành (Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định 29/2014/NĐ-CP) đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật; đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng đã quy định việc giao tài sản công cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân tặng cho các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.

Theo đánh giá của UBTVQH, các quy định Nhà nước là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân. Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung một số điều vào dự thảo Luật sửa đổi lần này.

Khoản 6, Điều 4 dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) quy định: "Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn www.chinhphu.vn